ThienNhien.Net – Tài nguyên thiên nhiên ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia. Bởi việc sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn thu từ cái được gọi là “quốc bảo” này sẽ không chỉ đem lại rất nhiều lợi ích mà còn là điểm mấu chốt để hạn chế các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và chính trị – xã hội của một đất nước. Nhưng để chúng thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển vượt bậc thì cần phải có phương thức quản lý minh bạch, hiệu quả.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi được quản lý tốt, thu nhập ngoại tệ và thuế từ hoạt động khai thác (tài nguyên) sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và là nguồn tài chính hỗ trợ cho nhiều chương trình phúc lợi xã hội. Ngược lại, chính sách quản lý kém sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế, chính trị như tệ nạn tham nhũng, tranh chấp quyền lực và xung đột xã hội. Đó là lý do giải thích vì sao rất nhiều nước giàu tài nguyên như Nigeria, Congo và Venezuela lại rơi vào tình trạng đói nghèo, lạc hậu, trong khi các nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore có thể bứt phá trở thành những nền kinh tế lớn trên thế giới.
Đi tìm lời giải cho nghịch lý trên, Matteo Morgandi (Viện Giám sát Nguồn thu, Mỹ) đã tiến hành phân tích, so sánh quy định phân bổ nguồn thu từ ngành công nghiệp khai thác (chủ yếu là khoáng sản và dầu mỏ) ở các cấp chính quyền khác nhau tại 7 quốc gia giàu tài nguyên, gồm: Bolivia, Brazil, Indonesia, Nigeria, Mexico, Papua New Guinea, Ghana. Đây đều là những quốc gia có nguồn thu nhập thấp và trung bình, thuộc ba khu vực với mức độ phụ thuộc tài chính vào nguồn thu từ ngành công nghiệp khai khoáng khác nhau.
Khía cạnh được Matteo Morgandi tập trung phân tích là nguồn thu do các ngành công nghiệp khai thác (cụ thể theo từng ngành) mang lại thông qua các khoản thuế như: thuế tài nguyên, thuế phụ thu đặc biệt, thuế lợi nhuận đặc trưng của từng ngành công nghiệp khai thác. Tuy nhiên, ở một số ít các quốc gia, các khoản thuế doanh nghiệp “thường xuyên”, như thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế đất, bất động sản cũng được tính gộp vào phần nguồn thu kể trên. |
Ông nhận thấy, mỗi một quốc gia đều có phương thức quản lý và sử dụng nguồn thu từ tài nguyên khác nhau. Tuy có nhiều điểm tương đồng về cơ sở lý luận nhưng nhìn chung đều khác biệt về mức độ và phương thức phân bổ. Hầu hết các quốc gia được nghiên cứu đều áp dụng nguyên tắc phân bổ nguồn thu (dù tỷ lệ này có khác nhau, Bolivia và PNG thì dành phần lớn nguồn thu cho cấp địa phương, trong khi Mexico, Nigeria và Brazil lại tập trung nguồn thu cho cấp trung ương) và đều áp dụng hình thức chiết khấu để phân chia một khoản nguồn thu nhất định.
Riêng đối với Nigeria, Bolivia, Indonesia và Mexico, ngoài hình thức chiết khấu, họ còn áp dụng thêm cả cơ chế tái phân bổ trực tiếp một phần nguồn thu cho các khu vực phi sản xuất. Dường như hướng đi này khẳng định được tính đúng đắn bởi cả 4 nước áp dụng loại hình này đều có nguồn thu từ công nghiệp khai thác chiếm tỷ lệ cao trong ngân sách.
Tại Papua New Guinea (PNG), Brazil và Ghana, những bên hưởng lợi ngoài chính phủ, bao gồm cả các chủ sở hữu tư nhân và chủ sở hữu là cộng đồng/người thừa kế theo tập tục của một vùng đất, được quyền hưởng cổ phần vĩnh viễn từ nguồn thu. Điều này rất khác biệt so với yêu cầu đền bù một lần hay trả thuế thuê đất vì đối tượng hưởng lợi ở đây bao gồm cả cá nhân (tức chủ sở hữu đất) chứ không chỉ tập trung toàn bộ cho giới cầm quyền.
Bàn về quy định phân bổ nguồn thu ở các quốc gia, Matteo Morgandi cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tính minh bạch trong các phương án phân bổ. Theo ông, sự phức tạp trong công thức phân bổ nguồn thu hay sự tác động qua lại khó hiểu giữa cơ chế phân chia nguồn thu từ công nghiệp khai thác và các cơ chế đảm bảo công bằng khác có thể khiến chính quyền địa phương ở các khu vực phi khai thác không hài lòng.
Dù vậy, trong hầu hết các nước ông nghiên cứu, việc công bố thông tin về khoản nguồn thu được phân bổ tới cấp địa phương thường không được công khai hoặc công khai nhưng không đầy đủ. Thậm chí, nhiều khi tính phức tạp của cơ chế phân bổ khiến các cấp địa phương không xác minh được khoản mình nhận có đúng với khoản được phân bổ không. Hệ lụy từ việc này dễ dẫn đến những phát sinh tiêu cực như đã nói ở trên.
Tại Việt Nam, chúng ta cũng đã đề cập tới tài chính khoáng sản, quản lý và phân bổ nguồn thu từ khoáng sản, phân cấp, phân quyền… nhưng tất cả mới chỉ dừng ở dự thảo, chứ chưa được hiện thực hóa thành luật định.
Mới đây, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) – một tổ chức khoa học kỹ thuật trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tiến hành biên dịch và giới thiệu ấn phẩm “Phân bổ nguồn thu từ ngành công nghiệp khai thác ở cấp địa phương – kinh nghiệm từ bảy quốc gia giàu tài nguyên” từ nguyên bản tiếng Anh của tác giả Matteo Morgandi, do Viện Giám sát Nguồn thu (Revenue Watch Institute – RWI) xuất bản. Đây có thể coi là một tài liệu tham khảo tốt cho những ai quan tâm tới vấn đề tài nguyên và quản lý nguồn thu từ hoạt động khai thác tài nguyên.