ThienNhien.Net – Mới đây, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã phát hiện một loài mới thuộc giống Thằn lằn tai <i>Tropidophorus</i> ở vùng Hoàng Liên Sơn, Sapa và huyện Văn Bàn thuộc tỉnh Lào Cai, phía Bắc Việt Nam.
Giống Tropidophorus Duméril & Bibron, 1839, là nhóm thằn lằn tai chân ngắn có tính đặc hữu cao, trong đó 15 trong số 27 loài là đặc hữu.
Ở Việt Nam, đã ghi nhận được 8 loài thuộc giống Tropidophorus và 3 loài trong đó là loài đặc hữu (Nguyễn và cộng sự, 2009). Ở vùng Đông Dương hiện có 15 loài của giống Tropidophorus cũng được ghi nhận.
Loài Thắn lằn tai mới này có tên khoa học là Tropidophorus boehmei sp. nov. được mô tả với các đặc điểm sau: kích thước khá lớn (chiều dài tối đa 103.5mm), vảy trước đầu trơn; vảy mũi trán không chia; vảy trước trán rất nhỏ, cách xa nhau; 2 vảy trước mắt, 6 vảy hàm trên; 7 – 8 vảy quanh mắt, hàng vảy quanh mắt chạy suốt chiều dài của vảy trên mắt; có tai ngoài, vảy trước tai vuông, đường kính vảy trước tai nhỏ hơn chiều dài mắt; 30 – 32 hàng vảy giữa thân, vảy lưng, bên hông và đuôi trơn láng; 60 – 69 hàng vảy cột sống, không mở rộng, ở vị trí vảy mặt dưới đuôi thứ 10 có 17 – 18 hàng vảy; vảy bụng 56 – 66 hàng; vảy dưới đuôi từ 1 – 10 có kích thước trung bình, vảy còn lại có kích thước khoảng 1,5 lần các vảy bên cạnh; có 16 – 19 phiến mỏng dưới ngón chân thứ 4; lưng và đuôi màu xám đậm, có các vệt ngang màu sáng và 2 hàng dọc các chấm trắng phía bên lưng bụng kéo dài từ cổ đến đuôi. Bên hông màu xám đậm có các chấm nhỏ màu trắng hình dạng không đồng nhất kéo dài từ phía trên mắt đến đuôi.
|
Việc phát hiện thêm loài Thằn lăn tai mới cho thấy còn rất nhiều loài bò sát, lưỡng cư sẽ còn được phát hiện và công bố trong thời gian tới ở Việt Nam.