Thế giới kêu gọi tăng giá nước

ThienNhien.Net – Các nền kinh tế lớn đang thúc đẩy việc tăng giá nước trên phạm vi toàn cầu, xuất phát từ mối quan ngại sức ép dân số không ngừng gia tăng và nguồn cung cấp nước ngày càng bị thu hẹp.


Liên hợp quốc cho biết thế giới hiện có khoảng 1 tỉ người thiếu cơ hội tiếp cận với nước sạch cho nhu cầu ăn uống hàng ngày và khoảng hơn 2 tỉ người không được hưởng dịch vụ tối thiểu về vệ sinh. Việc tăng giá nước (đã được triển khai tại một số quốc gia) được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi căn bản.

 

Một loạt các sự kiện mang tầm quốc tế đã diễn ra dồn dập xoay quanh câu chuyện tăng giá nước này. Giữa tháng 4/2010, Khối OECD – đại diện cho những nền kinh tế chủ chốt của thế giới – công bố ba bản báo cáo về nước, một trong những đề xuất lớn được đưa ra là nâng cao giá nước hiện thời.

 

Chỉ sau đó vài ngày là hội nghị lãnh đạo cấp cao tại New York do Ngân hàng Thế Giới (WB) chủ trì và một cuộc nhóm họp khác dành cho những nhà quản lý các ngành công nghiệp tại Paris, do Cơ quan Giám sát nước Toàn Cầu (Global Water Intelligence) tổ chức.

 

Usha Rao-Morani, nhà quản lý cao cấp thuộc Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), nhận xét “Nước cần phải được định giá, dù bạn gọi đó là chi phí, là giá cả, là sự bù đắp hay gì chăng nữa. Tài nguyên nước không phải là vô hạn, mà những thứ không vô hạn thì cần phải được định giá“.

 

Trước sự gia tăng dân số thế giới và sự tăng trưởng của các nền kinh tế, người ta có lý do để quan ngại nhiều hơn về nguồn cung cấp nước. Các chuyên gia cảnh báo rằng với sự thay đổi lượng mưa do khí hậu biến đổi, thậm chí một nửa dân số toàn cầu sẽ phải đối mặt với khan hiếm nước sinh hoạt, nếu các chính phủ không đưa ra được biện pháp can thiệp hiệu quả.  

 

Bản báo cáo thị trường 2010 của Cơ quan Giám sát Nước Toàn Cầu ước tính rằng ngành nước trên toàn thế giới mỗi năm cần đầu tư 571 tỉ USD, tức gấp ba mức đầu tư dự kiến của năm nay, để duy trì và cải thiện hệ thống xử lý và cấp nước. Có như vậy mới may ra đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng.

 

Tiến tới bỏ “Trợ giá”

 

Theo phân tích của các chuyên gia, việc các chính phủ duy trì công cụ “trợ giá” cho tài nguyên nước đang gây cản trở việc đầu tư mới cũng như tiêu dùng nước tiết kiệm. Các công ty nước, kể cả khối tư nhân và nhà nước, sẽ không thể cấp nước một cách đầy đủ, và họ cũng không thể thuyết phục hay yêu cầu những người nông dân, các hộ gia đình và doanh nghiệp thay đổi thói quen để dùng nước tiết kiệm hơn.

 

Ở Ấn Độ, và có lẽ cũng cả ở nhiều nơi khác, đã xảy ra tình trạng công ty cấp nước lợi dụng chính sách trợ giá và các ưu đãi để thu lợi nhuận lớn, trong khi nhiều người dân nghèo vẫn không có nước để dùng.

 

Virgilio Rivera, vị giám đốc quản lý lâu năm tại Công ty Cấp thoát nước Manila (Philippines) nhận xét “Chúng ta đang trong một vòng luẩn quẩn. Do thiếu đầu tư và duy trì dịch vụ kém, chính phủ không thể tăng giá nước. Nhưng mặt khác, khi không thu được tiền, chính phủ sẽ không có nguồn đầu tư để cải thiện hệ thống cấp nước”.

 

Chắc chắn việc tăng giá nước sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, song đó là điều tất yếu, cũng giống như thường xảy ra đối với các hàng hoá khác. Người dân Washington DC cũng từng phản đối kịch liệt khi chính quyền đưa ra lộ trình tăng giá nước gấp đôi trong vòng 5 năm, mặc dù lý do hoàn toàn chính đáng: đầu tư cho hệ thống cấp nước đã “thọ” 76 năm tuổi – quá cũ và nhiều rò rỉ.


Có thiệt cho người nghèo?

 

Một trong những điều mà các chuyên gia băn khoăn hơn cả, đó là việc tăng giá nước cần phải được thiết kế và kiểm soát tốt, để nó không trở thành gánh nặng cho người nghèo .

 

Người nghèo là nạn nhân khốn khổ trước hết của một hệ thống cấp nước tồi tàn. Họ sẽ rơi vào một trong hai thảm cảnh, không có nước dùng hoặc phải mua nước với giá cực kỳ đắt đỏ.

 

Kinh nghiệm ở thủ đô Manila của Phillipines là một bài học đáng tham khảo. Khoảng hơn 7 năm trước, Công ty Cấp thoát nước Manila đã tăng giá nước từ 4,5 lên 30 peso/m3 nước (tương đương 0,35 lên 2,32 USD/m3 nước), tức hơn 6 lần. Sự việc này ban đầu bị người tiêu dùng phản đối, nhưng sau cũng ổn thỏa.

 

Bởi đồng thời với đó, công ty đã nâng cấp hạ tầng cơ sở về nước, loại trừ cơ bản rò rỉ lãng phí, cải thiện nước cấp cho sinh hoạt của thành phố, cả về chất và lượng. Đến nay, hoá đơn nước hàng tháng của các hộ nghèo đã giảm chỉ còn 1/10 so với trước, khi họ còn phụ thuộc vào các công ty cấp nước tư nhân. 100% hộ gia đình sống trong các khu ổ chuột cũng được dùng nước sạch và đóng tiền nước cho Công ty.

 

Nam Phi là một ví dụ hữu ích khác với cơ chế giá nước thiết kế theo bậc thang, nhằm giúp người dân nghèo được sử dụng nước sạch giá rẻ cho những hoạt động sinh hoạt cơ bản như ăn uống, vệ sinh.

 

Vậy còn lương thực thì sao? Liệu giá nước đội lên có chất thêm áp lực cho người nghèo không bởi rất có thể giá lương thực, thực phẩm cũng có thể sẽ bị kéo theo?

 

Chưa thể khẳng định hay phủ nhận mối liên hệ này. Song, những phân tích lạc quan cho rằng giá lương thực không nhất thiết sẽ tăng theo giá nước, giá nước cao sẽ buộc nhà nông phải cải thiện việc tưới tiêu, lựa giống phù hợp, ít cần nước tưới hơn.

 

Không nên phân biệt người giàu – người nghèo khi bàn về vấn đề cấp nước” – Gs. Asit Biswas, Chủ Tịch Trung tâm Quản lý Tài nguyên nước tại Các nước đang phát triển, kết luận “Chừng nào tài nguyên nước còn được trợ giá, người ta sẽ không sử dụng chúng một cách khôn khéo“.