Thuế các-bon – Giải pháp chống biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Thuế các-bon được coi là giải pháp dựa trên thị trường quan trọng nhằm giảm khí thải, chống lại biến đổi khí hậu bên cạnh cơ chế cap-and-trade (lưu giữ và buôn bán khí thải). Trong khi cơ chế cap-and-trade dành được lưu tâm của giới chính trị, thì nhiều nhà kinh tế và người tiêu dùng lại ủng hộ thuế các-bon vì sự đơn giản và tính công bằng. Ngay cả ở các nước đã áp dụng loại thuế này cũng có nhiều luồng dư luận khác nhau về nó.

Thuế các-bon – loại thuế đánh vào khí thải CO2 trong năng lượng

Thuế các-bon là loại thuế đánh vào lượng các-bon có trong nhiên liệu, mà chính xác là vào lượng khí thải CO2 từ quá trình đốt nhiên liệu chứa các-bon. Như vậy, thuế các-bon có thể gọi tắt là thuế CO2.

Các-bon và hydro có trong tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt, những nhiên liệu tạo ra chất CO2 và nhiệt trong quá trình đốt cháy, một trong những yếu tố chính gây nên sự ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Thuế các-bon được đề xuất áp dụng với các nguồn năng lượng sản sinh CO2, vì thế nó chỉ nhắm vào năng lượng hóa thạch và những nguồn năng lượng không đốt cháy như năng lượng gió, mặt trời, thủy điện, nguyên tử không nằm trong phạm vi áp dụng của loại thuế này.

Bởi lẽ mỗi loại năng lượng phát thải một lượng CO2 không giống nhau, nên mức thuế suất với từng loại năng lượng cũng khác nhau. Theo đó, thuế suất sẽ phản ánh được tỉ lệ phát thải của than đá nhiều hơn 30% so với dầu và hơn 80% so với khí tự nhiên.

Hiện nay, trên thế giới chưa có nhiều quốc gia áp dụng thuế các-bon. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách và người dân coi thuế các-bon là một giải pháp quan trọng để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu đang đe dọa loài người và các sinh vật sống khác.

Thuế các-bon được kỳ vọng là giải pháp quan trọng chống biến đổi khí hậu

Thuế các-bon ra đời trong bối cảnh Trái đất đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu, đe dọa sự mất ổn định của các hình thế thời tiết và đe dọa hệ sinh thái mà loài người và muôn loài đang phụ thuộc. Trong khi đó, lượng khí thải nhà kính được bổ sung đều đặn vào bầu khí quyển là nguyên nhân chủ yếu.

Việc cắt giảm khí thải các-bon vì thế được coi là điều kiện tiên quyết để chống lại biến đổi khí hậu và các hiện tượng tự nhiên, xã hội khác gắn liền với nó như thời tiết khác nghiệt, dịch bệnh lan truyền, khan hiếm nguồn nước, nguồn lương thực, di cư bắt buộc, biến động chính trị và xung đột quốc tế….

Thuế các-bon được kỳ vọng trở thành một cơ chế quan trọng để giảm lượng khí thải các-bon. Hiện nay, giá nhiên liệu và năng lượng trên thế giới phần lớn không bao gồm các chi phí bù đắp cho ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu. Thiếu sót này đang ngăn cản nỗ lực triển khai các giải pháp giảm các-bon, nâng cao hiệu suất năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng ít các-bon, tái chế…

Việc đánh thuế các-bon đặt mục tiêu thay đổi các lựa chọn liên quan tới năng lượng, từ lựa chọn cá nhân về sử dụng các thiết bị sử dụng điện năng, năng lượng, đến lựa chọn của các doanh nghiệp trong việc thiết kế các sản phẩm mới, đầu tư vốn và lựa chọn của chính phủ trong việc hoạch định chính sách và quy hoạch tài nguyên.

Chỉ riêng thuế các-bon không thể chặn đứng quá trình biến đổi khí hậu, tuy nhiên nó được kỳ vọng sẽ mang lại thay đổi lớn trong việc hạn chế khí thải CO2.

Nguồn thu từ thuế các-bon sẽ được phân bổ lại tới người dân

Nguồn thu từ thuế các-bon sẽ không đóng góp cho ngân sách nhà nước mà thường được phân bổ lại cho người dân thông qua giảm thuế thu nhập và trợ cấp cho những người có thu nhập thấp.

Hiện tại, có hai cách tiếp cận đối với việc phân bổ nguồn thu từ loại thuế này. Cách thứ nhất là thông qua “cổ tức”, nghĩa là mỗi người dân sẽ nhận được lát bánh bằng nhau trong chiếc bánh tổng nguồn thu. Cách thứ hai là “chuyển thuế”, nghĩa là nguồn thu từ thuế các-bon sẽ được đưa vào để giảm các loại thuế hiện hành khác.

Thuế các-bon, giống như bất kỳ loại thuế cố định nào khác cũng có tính lũy thoái và hai cách phân bổ nguồn thu trên được đưa ra nhằm biến nó thành một loại thuế lũy tiến, bằng cách đảm bảo rằng loại thuế này bảo vệ người có thu nhập thấp. Bởi vì mức thu nhập và mức tiêu thụ năng lượng có tương quan chặt chẽ với nhau, và theo cách tiếp cận trên, những hộ nghèo sẽ nhận được khoản tiền từ phân bổ thuế các-bon nhiều hơn số họ phải trả cho thuế các-bon.

Cũng có một số ý kiến cho rằng, nguồn thu từ thuế các-bon nên được dành cho các chương trình bảo tồn năng lượng như xây nhà thích ứng với khí hậu, phát triển dịch vụ giao thông và các chương trình năng lượng thay thế; hoặc các chương trình phúc lợi xã hội, hơn là phân bổ lại cho người dân qua “cổ tức” hay giảm thuế.

Thuế các-bon được ủng hộ vì tính đơn giản, công bằng, minh bạch, hiệu quả…

Những người ủng hộ thuế các-bon lập luận rằng thuế các-bon là giải pháp quan trọng để giảm khí thải một cách nhanh chóng và hiệu quả. Theo họ, việc chuyển hệ thống năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng tái tạo và năng lượng hiệu suất cao, năng lượng bền vững sẽ không thể đạt được nếu thuế các-bon không được áp dụng để nâng giá năng lượng phát thải CO2.

Thuế các-bon được cho là giải pháp giảm lượng tiêu dùng năng lượng hóa thạch, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn. Đồng thời, loại thuế này cũng khuyến khích đầu tư, sáng tạo để nâng hiệu suất sử dụng năng lượng và năng lượng tái tạo. Thuế này còn được kỳ vọng trở thành “lực cản” đối với các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện trong tương lai.

Thuế các-bon còn tạo ra nguồn thu có thể sử dụng cho các chương trình môi trường hoặc hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp, vốn cũng là những người sử dụng ít năng lượng hơn. Đồng thời, việc người dân phải trả thêm tiền vì lượng khí thải họ góp vào khí quyển không những giúp nguồn khí thải được giảm bớt mà còn nâng cao nhận thức của họ về những hành vi gây nên ấm lên toàn cầu.

Thuế các-bon không phải là cách duy nhất để “áp giá cho các-bon”. Hệ thống các-bon cap-and- trade cũng là một cách tiếp cận đã được nhiều chính trị gia, các tập đoàn kinh tế và nhiều tổ chức môi trường ủng hộ. Tuy nhiên, thuế các-bon được cho là tốt hơn hệ thống cap-and-trade vì nhiều lẽ:

Thứ nhất, thuế các-bon không khiến giá năng lượng trở nên khó dự đoán, trong khi hệ thống cap-and-trade lại làm trầm trọng thêm sự đột biến giá cả, vốn có lịch sử gây nản lòng các nhà đầu tư vào nền kinh tế các-bon thấp và năng lượng tái tạo.

Thứ hai, thuế các-bon có thể áp dụng sớm hơn nhiều so với hệ thống cap-and-trade vốn rất phức tạp. Vì mức độ khẩn cấp của cuộc khủng hoảng khí hậu, việc chờ đợi hệ thống cap-and-trade dời khỏi bàn đàm phán là vô cùng xa xỉ về thời gian.

Thứ ba, thuế các-bon minh bạch và dễ hiểu, dễ kêu gọi sự đồng tình ủng hộ của người dân hơn hệ thống phức tạp cap-and-trade.

Thứ tư, thuế các-bon có thể thực hiện với ít cơ hội bị “xâu xé” bởi các nhóm lợi ích đặc biệt, trong khi một hệ thống cap-and-trade dễ dàng bị lợi dụng bởi tham nhũng và sự can thiệp của các ý chí chính trị.

Thứ năm, thuế các-bon có thể giảm khí thải các-bon ở mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề trong khi hệ thống cap and trade chỉ đặt mục tiêu vào ngành công nghiệp điện năng, vốn chỉ chiếm chưa tới 40% khí thải.

Cuối cùng, nguồn thu từ thuế các-bon có thể đến được với công chúng thông qua cổ tức hoặc chuyển dịch thuế, trong khi chi phí của hệ thống cap-and-trade có thể trở thành dòng tiền “ẩn”, chảy vào túi những người tham gia thị trường, luật sư và nhà tư vấn.

Thuế các-bon vẫn bị phản đối vì nhiều lý do

Nếu những người ủng hộ có vô vàn lý do để tin rằng thuế các-bon là giải pháp hiệu quả nhất chống lại biến đổi khí hậu thì những người phản đối có vẻ cũng chẳng ít lý lẽ hơn để phản đối.

Bất chấp các giải pháp về phân bổ nguồn thu, một số người vẫn cho rằng, loại thuế này chỉ làm đầy két của chính phủ hơn là bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, theo họ, dù thuế vẫn được thu, không có cơ sở để khẳng định rằng mục tiêu giảm khí thải sẽ đạt được. Theo họ, hệ thống cap-and-trade thiết lập được giới hạn tổng lượng phát thải và hệ thống này dễ dàng đáp ứng yêu cầu của nghị định Kyoto hơn bởi vì ở đó các mục tiêu cắt giảm phát thải được thiết lập ngay từ đầu.

Một số người phản đối thuế các-bon nhận định, loại thuế này đặt gánh nặng chủ yếu lên vai người tiêu dùng bởi các nhà sản xuất sẽ vì giá năng lượng mà nâng giá sản phẩm. Trong khi đó, việc tăng giá năng lượng chả mấy ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng của người dân vì thực tế cho thấy, dù giá năng lượng gần đây tăng mạnh nhưng lượng tiêu dùng của người dân cũng chẳng hề vì thế mà giảm.

Một lý do khác khiến những người phản đối tin rằng loại thuế này không thể khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen dùng năng lượng là vì nếu nó là loại thuế sẽ được phân bổ lại cho người tiêu dùng, họ sẽ không có động cơ để giảm lượng tiêu dùng.

Giới phản đối cũng cho rằng loại thuế này gây khó khăn cho những cộng đồng nghèo và những hộ gia đình có thu nhập thấp, những người vốn đã phải chật vật để trang trải cho nhu cầu thắp sáng, sưởi ấm và đi lại.

Nghiêm trọng hơn, những người hoài nghi loại thuế này còn cho rằng nó có thể gây hại cho nền kinh tế. Bằng cách tăng giá năng lượng, người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng tiêu dùng khác. Mặt khác, giá năng lượng cũng là lý do khiến các công ty cắt giảm tiền lương hay các lợi ích khác để bù đắp. Nếu tăng giá năng lượng đồng nghĩa với tăng giá sản phẩm, hàng hóa sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn so với các thị trường không áp loại thuế này. Thêm vào đó, theo họ, cho dù mục tiêu giảm khí thải bước đầu có thể đạt được, thì những ảnh hưởng tới sự tăng trưởng kinh tế và nguy cơ lạm phát từ loại thuế này có thể sẽ khiến mục tiêu này bị phá hủy hoàn toàn về lâu dài.

Dù chưa hẳn hoàn hảo, thuế các-bon đang ngày càng nhận được sự ủng hộ và xem xét áp dụng của nhiều quốc gia. Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jeffrey Sachs cũng từng nhận định, việc áp thuế đối với lượng khí thải sẽ đơn giản và đỡ tốn kém hơn so với hệ thống cap-and-trade. Nó giúp giảm nhanh hơn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, và hiệu quả hơn so với việc buôn bán hạn ngạch khí thải do không tác động tới hệ thống tài chính.

Các nước đã áp thuế khí thải cho năng lượng:

  • Phần Lan: Nước đầu tiên áp thuế các-bon vào năm 1990.
  • Thụy Điển: Ban hành luật thuế các-bon năm 1991.
  • Hà Lan: Áp thuế năng lượng năm 1993, năm 1996 ban hành Luật thuế năng lượng sửa đổi, loại thuế đầu tiên vì lý do môi trường.
  • Anh: Ban hành “Thuế biến đổi khí hậu” năm 2001 về việc sử dụng năng lượng trong công nghiệp, thương mại và công trình công cộng.
  • Mỹ: Boulder (Colorado) là thành phố đầu tiên của Mỹ áp dụng thuế khí thải các-bon trong điện năng từ năm 2007.
  • Canada: Tỉnh lớn thứ hai Canada là Quebec đã áp dụng thuế các-bon từ năm 2007 và tỉnh British Columbia ban hành thuế các-bon năm 2008.
  • Đan Mạch: Áp dụng thuế các-bon từ 1992.
  • Nauy: Ban hành thuế CO2 đối với năng lượng hóa thạch năm 1991.

 

Bạch Dương (tổng hợp)