ThienNhien.Net – Nhiều năm qua, nguời dân ở nhiều xã của huyện Tuy An (Phú Yên) sống nhờ vào việc khai thác các loại thuỷ sản trong đầm Ô Loan. Nhưng do cách khai thác thiếu bền vững mà nguy cơ cạn kiệt tài nguyên rất lớn, đặc biệt là sò huyết – đặc sản của đầm Ô Loan.
Sau gần 5 năm “vắng bóng” trên đầm Ô Loan, thời gian gần đây sò huyết bỗng nhiên trở lại làm rộn lên không khí bắt sò của cư dân.
Theo kinh nghiệm, sò huyết chỉ nổi lên mặt bùn 2 lần/tháng, những ngày này, cư dân của 8 thôn thuộc các xã như An Cư, An Hiệp, An Hoà, An Hải và An Ninh Đông (huyện Tuy An) đua nhau xuống đầm bắt sò. Năm nay giá sò tương đối đắt, dao động từ 50.000-70.000 đồng/kg nên người dân càng tích cực bắt sò hơn.
Theo thông tin được đăng tải trên báo Kinh tế nông thôn số 17, vào thời điểm những năm 1980, cư dân quanh đầm Ô Loan khai thác khoảng hơn 250 tấn thuỷ sản (tôm, ghẹ, sò)/năm. Tuy nhiên, ngày nay mặt nước đầm Ô Loan thường xuyên bị cửa biển Tân Quy bồi lấp, thuỷ triều dẫn vào đầm ít, không đủ độ mặn cho thuỷ hải sản trong đầm sinh trưởng. Hơn nữa, lượng cát trong đầm bị lắng đọng, không thoát ra ngoài được khiến nước trong đầm cạn nhanh. Các hồ tôm mới mọc lấp đầm, thải nước thải ra đầm cũng làm các loại thủy hải sản không thể phát triển. Thêm vào đó, ngư dân quanh vùng tận dụng khai thác, kể cả con non trong nhiều năm qua khiến số lượng cứ ít dần.
Sò huyết – đặc sản của đầm Ô Loan – theo đánh giá của các chuyên gia vì thế mà đang có nguy cơ tận diệt. Sau một thời gian dài không còn xuất hiện do mức độ khai thác triệt để của người dân cùng những yếu tố như ô nhiễm môi trường, nước đầm thiếu độ mặn, ngay sau khi xuất hiện trở lại, bà con lại đổ xô đi khai thác, kể cả sò huyết chưa đủ tuổi.
Sò huyết không chỉ là một thực phẩm ngon giàu dưỡng chất, nó còn có vai trò hút mùn bã chất hữu cơ và chất thải trong đầm. Các đầm nuôi tôm có xen kẽ sò huyết sẽ đỡ ô nhiễm, thời gian nuôi tôm có thể kéo dài, tôm có kích cỡ lớn và chất lượng tốt hơn.