ThienNhien.Net – Bộ tài liệu mới nhất nhằm hỗ trợ thực thi pháp luật trong việc ngăn chặn nạn buôn bán trái phép các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam vừa được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phát hành. Bộ tài liệu này bao gồm sách điện tử hướng dẫn định dạng các loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam cùng một bộ phim ngắn về những mối nguy hiểm mà loài rùa đang phải đối mặt trước nạn săn bắt và buôn bán trái phép.
Sách hướng dẫn định dạng rùa bản Tiếng Việt được phát triển bởi ENV, Trung tâm Bảo tồn rùa Cúc Phương (TCC) và Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP) tại Việt Nam. Nội dung sách mô tả đặc điểm nhận dạng bằng hình ảnh của 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa, nhấn mạnh các đặc điểm nổi bật của mỗi loài giúp người đọc dễ dàng phân biệt với các loài khác. Tại mỗi trang đều có đường dẫn tới phần so sánh với các loài rùa tương tự ở cuối sách.
Ngoài phần luật pháp bảo vệ, hiện trạng bảo tồn và bản đồ phân bố của mỗi loài, cuốn sách cũng đưa ra các phương pháp xử lý đối với các loài rùa tịch thu được từ các vụ buôn bán trái phép, địa chỉ liên hệ khi cơ quan chức năng cần tham khảo ý kiến từ các chuyên gia bảo tồn rùa.
Cùng với việc xây dựng cuốn sách này, trong năm 2009, ENV và Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp sản xuất bộ phim về những mối đe dọa đối với các loài rùa Châu Á.
Với độ dài 19 phút, bộ phim giới thiệu đặc tính sinh học của các loài rùa Châu Á, những mối đe dọa mà chúng đang phải đối mặt, đặc biệt nhấn mạnh sự ảnh hưởng của nạn buôn bán rùa bất hợp pháp tới các quần thể rùa trong tự nhiên của Việt Nam.
Trong phim, ông Bùi Đăng Phong – Giám đốc Trung tâm Cứu hộ rùa, Vườn quốc gia Cúc Phương đã đưa ra một số hướng dẫn và khuyến nghị tới các cơ quan thực thi pháp luật về các biện pháp tích cực để tăng cường bảo vệ rùa.
Phim đã được phát sóng trên sóng VTV2 của Đài Truyền hình Việt Nam.
“Trong hơn 12 năm qua, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều khóa tập huấn cho các cơ quan thực thi pháp luật trên khắp cả nước về việc phân biệt các loài, môi trường sinh thái và tình hình buôn bán các loài rùa Việt Nam. Tuy nhiên, các chương trình tập huấn của chúng tôi cũng mới chỉ tiếp cận được tới khoảng 300 cán bộ kiểm lâm, công an và cán bộ hải quan”, ông Douglas Hendrie, cố vấn kỹ thuật của ENV và là người sáng lập ATP cho biết.
Cũng theo ông Douglas Hendrie, việc phát hành bộ tài liệu này có thể thay thế cho các chương trình tập huấn, giảm thời gian tiếp cận thông tin của các cơ quan chức năng về hiện trạng của các loài rùa do nạn săn bắt và buôn bán trái phép.
Việt Nam hiện có 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa, trong đó một số loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam. Loài rùa mai mềm khổng lồ hiện chỉ còn lại 4 cá thể trên thế giới, trong đó 2 cá thể ở vườn thú Trung Quốc, một cá thể đang sống tại Hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội và một cá thể khác ở hồ Đồng Mô – Hà Nội.
Các loài rùa của Việt Nam cũng như của Châu Á đang bị đe dọa do nạn săn bắt và buôn bán ngày càng nhiều để làm thức ăn và thuốc đông y.
Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong việc trung chuyển rùa và các loài động vật hoang dã khác từ Lào và Campuchia sang Trung Quốc. Do đó, từ năm 1990, số lượng rùa ngoài tự nhiên của Việt Nam đã giảm mạnh, khi mỗi ngày có hàng tấn rùa bị buôn lậu sang Trung Quốc.