ThienNhien.Net – Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Xây dựng gấp rút hoàn thành kế hoạch Chương trình tổng thể xử lý chất thải rắn sinh hoạt, áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp giai đoạn 2010-2020, khắc phục tình trạng hết sức bức xúc về rác thải hiện nay.
Bất cập trong xử lý chất thải sinh hoạt
Theo báo cáo từ các cơ quan chuyên môn, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh trên toàn quốc ước tính khoảng 21.500 tấn/ngày, ở khu vực nông thôn khoảng 30.000 tấn/ngày. Mặc dù việc xử lý ngày càng được chính quyền các địa phương quan tâm hơn, nhưng hiện trạng còn nhiều hạn chế, chủ yếu sử dụng hai hình thức là chôn lấp và chế biến thành phân hữu cơ.
Chôn lấp là hình thức xử lý phổ biến tại các đô thị hiện nay với số lượng trung bình 1 bãi chôn lấp/đô thị. Trong đó, có tới 85% số đô thị từ thị xã trở lên sử dụng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, tồn nhiều diện tích đất và lãng phí nguồn tài nguyên rác có khả năng tái chế.
Hình thức chế biến phân hữu cơ mới được áp dụng ở khoảng 9% số đô thị từ thị xã trở lên, tổng công suất hiện tại khoảng 1.400 tấn/ngày. Tuy nhiên, hầu hết các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và công nghệ, thiết bị nhập ngoại chưa phù hợp với đặc điểm rác không được phân loại tại nguồn như ở ta.
Gần đây, đã có một số công nghệ trong nước với nhiều ưu điểm như khả năng phân loại rác tốt hơn, đặc biệt là đã tái chế, tái sử dụng được phần lớn lượng chất thải, đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường như công nghệ SERAPHIN, ANSINH-ASC, MBT-CD.08 với sản phẩm là phân hữu cơ, các sản phẩm nhựa tái chế và viên nhiên liệu. Các công nghệ này đã được triển khai áp dụng tại các nhà máy xử lý rác ở TP. Vinh, TP. Huế, Đồng Văn – Hà Nam… bước đầu đạt được những kết quả nhất định.
Mặc dù vậy, nhìn chung việc xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn đang gặp khó khăn, đặc biệt trong việc vay vốn, trả nợ vốn vay. Nguồn thu từ phí xử lý chất thải rắn do địa phương cam kết chỉ đảm bảo khoảng 30% chi phí xử lý hàng năm. Doanh thu từ các sản phẩm tái chế (phân hữu cơ, nhựa tái chế, gạch block…) hiện khá thấp và không ổn định.
Do hiệu quả kinh tế thấp, với cơ chế cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện hành (mức vốn vay tối đa 70%, lãi suất 10,2%/năm, thời hạn tối đa 12 năm), hầu hết các dự án đều không đảm bảo về phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay. Trên thực tế, nhà đầu tư gặp khó khăn ngay ở khâu tiếp cận nguồn vốn vay do nguồn này cũng hết sức hạn chế.
Tạo cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội
Trước tình hình này, căn cứ số liệu dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường là đến năm 2015 – 2020, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh sẽ cao gấp 2-3 lần so với hiện nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu một chương trình tổng thể cấp thiết để khắc phục thực trạng xử lý rác còn nhiều bất cập như hiện nay.
Mục tiêu là đến năm 2020 sẽ áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp xử lý được đa số lượng rác phát sinh. Để mục tiêu này khả thi, sẽ xây dựng một loạt các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, nghiên cứu khoa học công nghệ và đặc biệt là khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư.
Các địa phương căn cứ vào hệ thống chính sách chung để chủ động huy động các nguồn lực xã hội đầu tư, xây dựng các nhà máy hoặc giải pháp xử lý chất thải với quy mô, tính chất tùy thuộc vào điều kiện địa phương; tạo điều kiện về quy hoạch, mặt bằng để phấn đấu bắt đầu triển khai Chương trình trên thực tế vào năm 2011.