Giảm thiểu tác động môi trường nhờ bồi hoàn đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – Đẩy mạnh kinh tế hóa được coi là định hướng quan trọng của ngành tài nguyên và môi trường ở nước ta trong những năm tới, một trong những nhiệm vụ trong đó được xác định là tăng cường nghiên cứu, áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bồi hoàn đa dạng sinh học (BHĐDSH) – một thuật ngữ mới – gần đây đã du nhập Việt Nam và trở thành một lựa chọn tiềm năng cho các nhà nghiên cứu chính sách và làm luật về môi trường.

 

Theo diễn giải của Chương trình Kinh doanh và Bồi hoàn đa dạng sinh học – BBOP(*), BHĐDSH tạo ra một cơ chế tiềm năng để cân bằng tác động của các dự án/hoạt động phát triển với việc bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các thành tố về đa dạng sinh học và chia sẻ công bằng lợi ích giữa các bên liên quan. Mục tiêu hướng đến của cơ chế này là không gây tổn thất, mà thậm chí làm gia tăng giá trị về đa dạng sinh học tại nơi thực hiện (về thành phần loài, cấu trúc sinh cảnh, chức năng hệ sinh thái và giá trị sử dụng của con người và giá trị văn hóa đi kèm với giá trị đa dạng sinh học).

 

Nghe có vẻ rất triển vọng như vậy, có người sẽ đặt câu hỏi “Vậy phải chăng doanh nghiệp/các dự án phát triển sẽ dễ dàng được vào khai thác các vùng đất tự nhiên có giá trị đa dạng sinh học, miễn sao họ có khả năng bồi hoàn giá trị đa dạng sinh học mất đi ấy vào một khu vực khác?

 

Thực ra không như vậy, bởi giá trị đa dạng sinh học, xưa nay là một đối tượng cực kỳ khó đo đếm và quy đổi do tính chất phức tạp của nó. Đối với những hệ sinh thái phong phú, nhiều thành phần như rừng mưa nhiệt đới, việc định lượng càng khó khăn hơn. Ngay cả các nhà khoa học đến nay vẫn vướng mắc trong việc đưa ra phương pháp và hướng dẫn áp dụng tính toán đầy đủ giá trị đa dạng sinh học cho các hệ sinh thái.

 

Một lý do khác, không kém phần quan trọng, đó là ngay từ khi hình thành, BHĐDSH đã được nhấn mạnh rằng sẽ là lựa chọn cuối cùng, chứ không phải là ưu tiên hàng đầu, trong quy trình ngăn ngừa tác động của các hoạt động phát triển lên hệ sinh thái tự nhiên. Nó chỉ là việc xử lý các tác động còn lại (không tránh khỏi), sau khi chủ dự án đã tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động và phục hồi hệ sinh thái tại chỗ một cách phù hợp.

 

Sơ đồ bồi hoàn ddsh
Quy trình ngăn tác động và Bồi hoàn đa dạng sinh học (Dịch từ nguồn: BBOP – Forest Trends)

 

Vì sao Việt Nam cần quan tâm đến bồi hoàn đa dạng sinh học?

 

Trong khi Việt Nam đang trong những bước chập chững đưa ngành tài nguyên môi trường đến gần hơn với sự vận hành của nền kinh tế thị trường, việc BBOP để ý và lựa chọn Việt Nam là một trong những đối tác đầu tiên của khu vực châu Á để giới thiệu sáng kiến BHĐDSH có thể coi là một sự “hữu duyên”.

 

Theo phân tích của Gs.Kerry Ten Kate, Giám đốc BBOP, BBDDSH có phạm vi bao quát hơn Cơ chế chi trả dịch vụ môi trường (PES) mà Việt Nam vừa triển khai mô hình thí điểm đối với hệ sinh thái rừng và đang trong quá trình thể chế hóa. Đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ sáng kiến này sẽ không giới hạn trong các dịch vụ hệ sinh thái như PES mà là toàn bộ các yếu tố liên quan đến đa dạng sinh học (nguồn gen, loài, hệ sinh thái, giá trị văn hóa và xã hội bản địa).

 

Lồng ghép BHĐDSH vào các chính sách hiện hành, trong đó có chú trọng đến chính sách về đánh giá tác động môi trường cũng là một hướng mà BBOP gợi ý Việt Nam xem xét. Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, công tác thực thi chính sách về đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam hiện nay có nhiều bất cập. Bản thân khái niệm đánh giá tác động môi trường đã bị hiểu một cách sai lệch trong thực tế, khiến nó không còn là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ môi trường mà bị coi như một thủ tục hành chính trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án. Cơ chế khuyến khích cũng như ràng buộc các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của họ đối với môi trường, xã hội hiện còn yếu.

 

Nếu việc lồng ghép nội dung BBDDSH thành công, chính sách về đánh giá tác động môi trường sẽ được nâng tầm về mục tiêu: không gây tổn thất về đa dạng sinh học, chứ không chỉ dừng ở giảm thiểu tác động ở một số hạng mục. Các tác động bên lề của dự án cũng sẽ được tính toán và yêu cầu bồi hoàn đầy đủ.

 

Việt Nam hiện là thành viên của các công ước quốc tế về Đa dạng sinh học (CBD) và RAMSAR. Trong các nghị quyết mới nhất của mình, cả hai công ước này đều đã có sự tham chiếu hoặc khuyến khích các quốc gia thành viên tham khảo và áp dụng sáng kiến BHĐDSH.

 

Bài học kinh nghiệm từ hơn 30 quốc gia đã áp dụng thí điểm hoặc ban hành văn bản luật liên quan đến BHĐDSH sẽ là nguồn tham khảo tốt cho Việt Nam trong quá trình nghiên cứu và triển khai.

 

Trong hội thảo giới thiệu sáng kiến BHĐDSH vào Việt Nam diễn ra trung tuần tháng 4 vừa qua, đa số các ý kiến đều cho rằng việc nghiên cứu và sớm đưa BHĐDSH vào Việt Nam là rất cần thiết.

 

Đối với nhiều người, thậm chí đối với cả các chuyên gia và các nhà quản lý trong lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên, môi trường, thuật ngữ BHĐDSH còn mới mẻ, song một số chuyên gia cho rằng những hoạt động mang tính chất tương tự đã có trong một số dự án, chương trình phát triển. Công ty Xi măng Holchim và Ngân Hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho biết họ cũng đã triển khai các nội dung BHĐDSH trong một số hoạt động của mình.

 

Phân tích về tính khả thi áp dụng BHĐDSH vào Việt Nam, các nhà khoa học trong nước còn nhiều băn khoăn. Một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất là làm sao để lượng hóa được giá trị đa dạng sinh học. Giáo sư Đặng Huy Huỳnh đặt câu hỏi: “Muốn thực hiện BHĐDSH thì phải đánh giá được giá trị của đa dạng sinh học. Sẽ đánh giá như thế nào đây? Đa dạng sinh học mang nhiều giá trị đồng thời, không chỉ là giá trị kinh tế. Liệu có thể đánh giá hết các mặt ý nghĩa này? Đặc biệt, với các loài quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng, liệu có cách nào để đánh giá giá trị bồi hoàn?”

 

Dẫu còn nhiều câu hỏi phía trước, song việc BBDDSH du nhập vào Việt Nam nó cũng tương tự như việc ai đó đã ngó đầu qua khe cửa và không kìm chế được sự tò mò. Chắc chắn trong thời gian tới, thuật ngữ BBDDSH sẽ còn được nhắc đến nhiều.


 

(*) Chương trình Kinh doanh và Bồi hoàn đa dạng sinh học là một liên minh hợp tác với sự tham gia của khoảng 40 tổ chức là các công ty, chính phủ, định chế tài chính và các chuyên gia bảo tồn hàng đầu thế giới. Chương trình khởi động năm 2004, đã hoàn thành giai đoạn một (2004-2008) áp dụng thử nghiệm Kinh doanh và BHĐDSH tại một số quốc gia, hiện đang trong giai đoạn hai (2009-2011) mở rộng phạm vi thử nghiệm và xây dựng các bộ công cụ hướng dẫn thực hiện cho các đối tượng có liên quan.