ThienNhien.Net – Lần đầu tiên tại Việt Nam, “Phân tích chính sách môi trường” sẽ được giảng dạy với tư cách là một môn học dành cho sinh viên sau đại học. Đây là bước khởi đầu cho tầm nhìn dài hạn, nhằm trang bị phương pháp tiếp cận, đánh giá và phân tích chính sách môi trường cho các nhà hoạch định chính sách tương lai.
Từ khâu xây dựng đề cương môn học…
Trên thực tế, “Phân tích chính sách môi trường” không phải là khái niệm hoàn toàn mới trong đào tạo bậc đại học bởi đã được đề cập trong chương trình đào tạo của một số trường. Tuy nhiên, do chưa được tách riêng thành môn học chính thức nên “Phân tích chính sách môi trường” còn là khoảng trống kiến thức đối với nhiều sinh viên theo học các chuyên ngành hoạch định chính sách và quản lý môi trường.
Một cuộc điều tra nhanh về hiểu biết của sinh viên chuyên ngành môi trường và quản lý tài nguyên sắp ra trường đối với các chính sách hiện hành về môi trường do PanNature thực hiện tại 4 trường đại học: Khoa học tự nhiên, Bách Khoa, Kinh tế Quốc dân và Nông nghiệp I cho kết quả khá “thú vị”. Có đến 50% sinh viên số sinh viên khi được hỏi trả lời sai về cơ quan chịu trách nhiệm phê chuẩn và ban hành các luật trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên ở Việt Nam; gần 35% sinh viên trả lời sai về Cơ quan có trách nhiệm thống nhất Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong toàn quốc; hơn 26% sinh viên trả lời sai về các luật thuộc lĩnh vực luật pháp về môi trường và tài nguyên của Việt Nam; hơn 73% sinh viên trả lời sai về thời gian ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia về Ứng phó với biến đổi khí hậu. Mức độ hiểu biết về các quy định đánh giá tác động môi trường của Việt Nam trong các bạn sinh viên cũng còn nhiều hạn chế…
Kết quả điều tra sơ bộ nêu trên đã phản ánh phần nào tính đúng đắn và tầm quan trọng của việc đào tạo, giảng dạy phân tích chính sách môi trường tại Việt Nam.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, ngày 21/4, Khoa Môi trường và Đô thị, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã phối hợp cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức buổi Tọa đàm về Phân tích chính sách môi trường(1), nhằm giới thiệu và tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, quản lý đào tạo về khung chương trình và nội dung môn học trước khi đưa vào giảng dạy chính thức.
Đề cương môn học gồm 4 chương: Chương 1: Sự cần thiết của các chính sách môi trường; Chương 2: Phân tích tác động của chính sách môi trường; Chương 3: Phân tích hiệu quả của chính sách môi trường; Chương 4: Thực hành. |
Tại buổi tọa đàm, hầu hết các ý kiến đều tập trung góp ý về khung chương trình môn học. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Danh Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng Bắc bộ – Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Theo ông Sơn, về cơ bản, khung chương trình đã đáp ứng được nhu cầu đào tạo, tuy nhiên, cần điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp. Trước tiên là danh mục tài liệu tham khảo, đây là yếu tố quan trọng trong quá trình đào tạo, cung cấp rất nhiều tri thức nền về môn học, vì vậy, cần chú ý bổ sung thêm nguồn tài liệu, đặc biệt là những tài liệu chính thức về môn học, chứ không chỉ chung chung nói về chính sách hay quản lý môi trường.
Thứ hai, về khung chương trình, cần lựa chọn những điểm mới để đưa vào giảng dạy. Theo đó, cần chú ý tới Khái niệm chính sách vì nhiều khi khái niệm chính sách của Việt Nam và quốc tế không giống nhau, thậm chí là khác nhau; dẫn đến việc giảng dạy, hoạch định và tư vấn chính sách cũng khác nhau. Tiếp đến là việc xây dựng Khung phân tích lựa chọn Bộ công cụ phân tích và sử dụng Kỹ năng phân tích. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến Bộ công cụ và Kỹ năng phân tích vì hai điều này sẽ trang bị cho nhà hoạch định những kỹ năng cơ bản trong quá trình xây dựng chính sách…
|
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phát biểu tại buổi tọa đàm về nhận thức và mối quan tâm của sinh viên về hệ thống tổ chức, thể chế, chính sách quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ở Việt Nam. |
Ngoài những góp ý cho nội dung chương trình, một số đại biểu cũng thảo luận xoay quanh cách thức giảng dạy môn học. Theo ông Nguyễn Văn Duyên, chuyên gia về Luật môi trường, thay bằng việc chỉ giảng giải lý thuyết, các giáo viên có thể lồng ghép, liên hệ với các vụ việc thực tế đang xảy ra (như vụ Vedan, Miuon…) hoặc đặt ra các tình huống giả định để các em thực hành kỹ năng phân tích vấn đề, phân tích các chính sách liên quan. Có như vậy, môn học sẽ thú vị, hiệu quả và thiết thực hơn.
Nhấn mạnh đến tính thế thừa khi xây dựng một môn học mới, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Trưởng khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết thêm: trên thực tế, môn học Phân tích chính sách với các phương pháp, kiến thức chung về phân tích chính sách đã được khoa Khoa học quản lý đưa vào giảng dạy từ lâu. Vì thế, khoa Môi trường và Đô thị có thể tham khảo những phương pháp, kiến thức cũng như kinh nghiệm giảng dạy từ môn học này để bổ sung, hoàn thiện cho khung chương trình môn học Phân tích chính sách môi trường.
Để môn học thực sự có ý nghĩa và hiệu quả, theo bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM, cần sớm chuẩn hóa chương trình học và cần có sự gắn kết giữa trường, viện với các cơ quan hoạch định chính sách.
… đến việc hoàn thiện hệ thống chính sách
Mục đích cuối cùng của việc giảng dạy môn học này cũng là nhằm xây dựng được những chính sách môi trường có tính thực thi cao, có tác động tích cực tới xã hội, mà những điều này phụ thuộc rất nhiều vào quá trình làm chính sách, phân tích chính sách, đánh giá, giám sát chính sách, và đặc biệt là người làm chính sách.
Tuy nhiên, thực tế đáng buồn hiện nay là các nhà hoạch định chính sách của chúng ta hiện nay thường thiếu đánh giá tác động đối với các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Vì thế, nhiều khi một chính sách đưa ra có thể lại làm tiêu tốn nguồn lực của xã hội hơn so với những lợi ích mà chính sách đó mang lại.
Bàn về thực trạng nghiên cứu, phân tích chính sách môi trường hiện nay, bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng cho biết, tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng quá trình làm chính sách tại các bộ ngành, địa phương vẫn còn yếu, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, thiếu thể chế hóa yêu cầu về phân tích chính sách.
Cùng chung ý kiến với bà Hồng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu: so với sự phát triển nhanh chóng của tình hình thực tế hiện nay thì hệ thống chính sách pháp luật về môi trường của ta còn nhiều hạn chế, bất cập. Dù không ngừng hoàn thiện, bổ sung nhưng chúng ta vẫn chưa có một hệ thống chính sách hoàn chỉnh và đồng bộ trong lĩnh vực này. Các quy định về bảo vệ môi trường còn tản mạn và được quy định trong nhiều văn bản và ở nhiều cấp độ khác nhau. Một số chính sách về bảo vệ môi trường chưa được nghiên cứu, định hướng rõ. Đặc biệt, chưa chú trọng công tác điều tra, đánh giá tác động và hiệu quả của ác chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với kinh tế – xã hội để xem xét tính khả thi cũng như yêu cầu sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh kịp thời trong quá trình phân tích, hoạch định chính sách, pháp luật.
Tính dự báo trong phân tích chính sách bảo vệ môi trường cũng rất yếu, dẫn đến chính sách được ban hành thiếu tính ổn định, hay bị thay đổi, không đáp ứng kịp thời với yêu cầu quản lý và sự phát triển của xã hội, không giải quyết được vấn đề đặt ra. Quy trình hoạch định chính sách nói chung và chính sách bảo vệ môi trường nói riêng còn bị khép kín, việc lấy ý kiến tham gia của đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của chính sách còn ít, nếu có thì hình thức.
|
Chu trình xây dựng chính sách môi trường |
Để khắc phục những hạn chế này, chúng ta cần nâng cao năng lực phân tích chính sách môi trường; chú trọng công tác nghiên cứu, đề xuất chính sách; tham vấn ý kiến của nhân dân và các bộ ngành; chú trọng vai trò của các nhà khoa học, các chuyên gia vào việc hoạch định chính sách; có thể học tập kinh nghiệm quốc tế nhưng phải biết lựa chọn phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.
1): Buổi tọa đàm này là một trong nhiều hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực giám sát thực thi pháp luật và chính sách bảo vệ môi trường ở Việt Nam” do PanNature thực hiện trong giai đoạn 2008-2010, với sự tài trợ của Quỹ Ford (Hoa Kỳ).