Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL

ThienNhien.Net – Vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội thảo khoa học về “Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”. Đây là sự kiện mở đầu cho chương trình Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) Kiên Giang 2010.


Từ nhiều năm qua, mỗi năm ĐBSCL đóng góp khoảng 36% giá trị xuất khẩu nông nghiệp, trên 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 65% sản lượng thuỷ sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước…Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng, nông nghiệp ở các tỉnh, thành ĐBSCL phát triển chưa bền vững, bởi hiện nay nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo tại đây còn thấp; tình trạng phát triển thiếu quy hoạch dẫn đến được mùa mất giá, thậm chí mất mùa cũng mất giá.

Đây chính là nguyên nhân khiến cho thu nhập của người nông dân còn thấp, đời sống bấp bênh. Đó là chưa kể còn đang phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn, nước biển dâng, cạn kiệt nguồn nước sạch… nhưng vẫn lay hoay chưa tìm giải pháp để ứng phó.

Theo các nhà khoa học, muốn giải được bài toán phức tạp trên, ĐBSCL cần phải có một chính sách quy hoạch tổng thể, một cơ chế đặc thù cho nền nông nghiệp của vùng; đầu tư nâng cấp hệ thống các cống, tuyến đê sông, đê biển để vừa ngăn mặn, vừa phòng tránh thiên tai, lụt bão, nước biển dâng do biến đổi khí hậu; có chính sách cụ thể phát triển nông nghiệp bền vững thông qua mô hình liên kết “4 nhà” ( nhà quản lý, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học) và việc liên kết này cần phải có chính sách chế tài của nhà nước trong quan hệ giữa doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân.