ThienNhien.Net – Với mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau và đưa ra các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, Hội thảo khoa học “Bảo tồn các giá trị khu dự trữ sinh quyển và hỗ trợ cư dân vùng ven biển tỉnh Cà Mau trước biến đổi khí hậu” đã được tổ chức ngày 25/04/2010 tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, với sự tham gia của Văn phòng UNESCO Hà Nội và nhiều nhà khoa học đến từ các viện, phân viện, trường đại học.
Tại Hội thảo, hơn 20 báo cáo tham luận, thảo luận đã được trình bày, với nội dung cụ thể bao gồm: ứng dụng tư duy hệ thống trong việc nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát triển các khu di sản và sinh quyển thế giới tại Việt Nam, trong đó có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau; nâng cao vai trò của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau trong hệ thống các khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia; bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn; bảo tồn những loài chim quý gắn liền với phát triển du lịch sinh thái Mũi Cà Mau; bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ; xác định vị trí và tác dụng của rừng phòng hộ ven biển Cà Mau trước biển đổi khí hậu; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của cư dân vùng ven biển tỉnh Cà Mau trước biến đổi khí hậu…
Cũng tại hội thảo khoa học này, tỉnh Cà Mau đã ký kết các văn bản ghi nhớ với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Tổ chức Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Viện Kỹ thuật Biển, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và một số tổ chức phi chính phủ… về nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, môi trường, nước sạch, xây dựng nhà ở cho cư dân ven biển nhằm phục vụ bảo tồn, phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau có diện tích tự nhiên gần 371.510ha, bao gồm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Rừng phòng hộ và bãi bồi ven Biển Tây thuộc các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời và rừng tràm Vườn quốc gia U Minh Hạ, được chia thành ba vùng; trong đó vùng lõi có diện tích gần 17.330ha; vùng đệm gần 43.310ha và vùng chuyển tiếp với gần 310.870ha.
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có những đặc trưng nổi bật là vùng ngập mặn lớn nhất Việt Nam và nổi tiếng trên thế giới về năng suất sinh học cao nhất trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên. Ở đây còn giữ được diễn thế nguyên sinh trên nền đất mới bồi tụ; tạo nên những quần xã thực vật đặc trưng của hệ sinh thái; đồng thời là nơi cư trú, tạo nên bãi đẻ và nuôi dưỡng ấu trùng của các loài thủy hải sản cho cả một vùng rộng lớn. Bên cạnh đó, rừng tràm Vườn quốc gia U Minh hạ là kiểu rừng ngập lợ chua phèn mang nét đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, còn giữ được kiểu diễn thể nguyên sinh của rừng tràm trên nền đất than bùn được tích tụ hàng trăm năm, với tính đa dạng sinh học rất cao. Đặc biệt, hơn 20 loài thực vật ngập mặn đã được phát hiện tại đây, điển hình là kiểu rừng hỗn giao đước-vẹt-mấm. Ngày 26/05/2009, Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời là một trong tám khu dự trữ sinh quyển và hai di sản thiên nhiên của Việt Nam nằm trong Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO. |