Hà Nội thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới

ThienNhien.Net – Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô phát triển kinh tế toàn diện, bền vững, Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng 2030, với tổng kinh phí gần 32.000 tỷ đồng vừa được HĐND TP Hà Nội khóa 13 thông qua sáng 21/04 tại kỳ họp thứ 20.


Ngoài mục tiêu trên, Đề án xây dựng nông thôn mới Thủ đô Hà Nội còn góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Hiện nay, so với tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Hà Nội mới đạt 1 tiêu chí là hệ thống an ninh trật tự xã hội được giữ vững, 10 tiêu chí cơ bản đạt từ 60 – 80%, và vẫn còn 8 tiêu chí chưa đạt.

Đánh giá việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô văn minh hiện đại, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trịnh Duy Hùng cho rằng, xây dựng nông thôn mới phải tuân thủ theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Thủ đô, quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và các quy hoạch ngành, quy hoạch kinh tế xã hội các huyện, thị xã.

Thảo luận tại phiên họp ngày 21/04, các đại biểu đều nhất trí với những mục tiêu thành phố đặt ra, theo đó đến năm 2015 phấn đấu có 35 – 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2020 tăng lên 80-90% và định hướng đến năm 2030, sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở tất cả 401 xã thuộc địa bàn Thủ đô.

Ngoài ra, đề án cũng khẳng định đến năm 2011 phấn đấu hoàn thành 100% số xã có internet; năm 2012 hoàn thành việc lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới cho 100% xã và đến năm 2015, cơ bản bê tông hóa hệ thống trục đường liên xã, 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, nâng cao thu nhập khu vực nông thôn, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn dưới 25%.

Cũng trong phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, khuyến khích các doanh nghiệp và hộ dân đầu tư sản xuất là chiến lược cơ bản để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hiện có, phát triển đa dạng các loại hình hợp tác như: HTX ngành nghề, HTX sản xuất rau an toàn, HTX chăn nuôi gia súc, thủy sản… cũng là một giải pháp cần được thực hiện đồng bộ tại các địa phương.

Ông Trịnh Duy Hùng cho biết, trước mắt, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách như xây dựng tỷ lệ điều tiết nguồn thu từ giá trị quyền sử dụng đất để lại cho ngân sách cấp huyện và cấp xã; huy động đóng góp của nhân dân; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn; có cơ chế khuyến khích cán bộ kỹ thuật, quản lý về công tác tại địa phương; hỗ trợ tín dụng cho nông dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất xây dựng nông thôn mới; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.