ThienNhien.Net – Cao Bằng với trên 500 nghìn ha đất lâm nghiệp (chiếm 76,6% tổng diện tích đất tự nhiên), trong đó hơn 300 nghìn ha rừng mà chủ yếu là rừng tự nhiên, có nhiều loài thực vật quý hiếm như: Hoàng đàn, Thông đỏ, Hoàng liên gai, các loài Lan kim tuyến, các loài Lan hài, cây nghiến, cây một lá, Thổ hoàng liên… được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Tuy nhiên, hiện Cao Bằng chưa có một cuộc điều tra toàn diện để có được danh sách các loài thực vật rừng quý, hiếm để xác định chính xác số lượng, trữ lượng và sự phân bố của các loài, nhất là về đặc tính sinh lý, sinh thái, kỹ thuật gây trồng cũng như tác dụng của nó, làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình dài hạn về bảo tồn và phát triển các loài thực vật này.
Nhận thức, sự hiểu biết, năng lực quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và những chính sách để bảo vệ và phát triển các loài thực vật quý hiếm còn nhiều bất cập. Tình trạng khai thác và buôn bán theo kiểu tự phát, đặc biệt là việc khai thác và buôn bán nhiều loại dược liệu quý hiếm diễn ra hằng ngày đang làm cho nhiều cánh rừng bị xâm hại nghiêm trọng, nhiều thực vật rừng quý hiếm mất dần hoặc đứng trước nguy cơ bị xoá sổ hoàn toàn như các loài: Lan kim tuyến, Hài hele-nae, Cây một lá… gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, đa đạng sinh học của rừng.
Đã đến lúc cần có những biện pháp, giải pháp cấp bách để bảo vệ, bảo tồn nguồn tài nguyên quý hiếm cuả tỉnh. Tước mắt, các cơ quan liên quan cần tăng cường kiểm tra, quản lý, phát hiện, ngăn chặn và nghiêm cấm các hoạt động khai thác, buôn bán xuất khẩu các loại thực vật rừng hoang dã nguy cấp, quý hiếm theo quy định của pháp luật. Phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân để họ hiểu và chấp hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, cần phát triển và hoàn thiện các thể chế, chính sách cụ thể, phù hợp để thu hút cộng đồng tham gia vào việc bảo tồn, phát triển thực vật rừng quý, hiếm. Xây dựng chương trình dài hạn về bảo tồn và phát triển các loài thực vật rừng quý hiếm ở tỉnh; Khuyến khích các chương trình nghiên cứu khoa học nhằm xác định rõ số lượng, trữ lượng và sự phân bố của các loài thực vật rừng quý hiếm, từ đó đề ra các giải pháp hợp lý trong các bảo tồn, phát triển nguồn gien… cũng là những việc làm cần được ưu tiên.
Cuối cùng, cũng cần chú ý nâng cao năng lực các cơ quan chuyên môn để làm tốt chức năng tham mưu, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về bảo tồn và phát triển thực vật rừng quý hiếm. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo tồn và phát triển thực vật rừng quý hiếm trên các mặt phân cấp quản lý giữa các ngành và các địa phương; xây dựng chính sách để khuyến khích, hỗ trợ và bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thực vật rừng quý, hiếm.