ThienNhien.Net – Hàng loạt hệ thống sông ở Việt Nam đã và đang bị đầu độc, ô nhiễm do hoạt động sản xuất, canh tác của con người trong nhiều năm qua. Hệ thống sông Nhuệ – Đáy cũng không phải là ngoại lệ. Trong khi đề án bảo vệ môi trường sông Nhuệ – Đáy đang được tiến hành thì một bộ phận dân cư tiếp nhận nguồn nước của hệ thống sông này vẫn đang lay lắt đấu tranh với bệnh ung thư!
Sông Nhuệ và sông Đáy đi qua 6 tỉnh là Hà Nội, Hòa Bình, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Bao nhiêu năm qua, hệ thống sông Nhuệ – Đáy phải tiếp nhận nước thải của hơn 700 nguồn thải công nghiệp, sản xuất thủ công nghiệp làng nghề, trong số đó có nhiều nguồn nước chứa kim loại nặng, dầu mỡ, dung môi hữu cơ; bên cạnh chất thải của hàng trăm bệnh viện và chất thải sinh hoạt của trên 3 triệu dân.
Xã Hoàng Tây (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) có 1500 hộ dân với gần 6000 nhân khẩu, được gọi là xã ung thư khi số người chết vì ung thư tăng đột biến trong khoảng 10 năm nay. Theo cán bộ của Trạm Y tế xã, ca ung thư tử vong đầu tiên được phát hiện vào năm 2002. Và đến nay, xã đã có khoảng 40 ca tử vong do ung thư, người chết đa phần là nam giới, tuổi đời trung bình từ 40 – 55.
Riêng năm 2007, số ca chết do bệnh này là 12 người, năm 2008 tăng thêm 5 người. Thôn Yên Lão, thôn sống ven sông Nhuệ là thôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những ca tử vong do ung thư.
Xã cũng là một trong những điểm nóng về nguồn nước bị nhiễm asen với trên 30% số giếng khoan trong xã có hàm lượng chất asen vượt quá tiêu chuẩn cho phép, được cho là do ô nhiễm môi trường từ dòng sông Nhuệ. Toàn xã có khoảng 95% số hộ dùng nước giếng khoan, 20% trong số này dùng nước để ăn, còn lại là để tắm rửa và vệ sinh chuồng trại. Nhưng giếng ở đây được khoan khá nông, chỉ khoảng 15 – 17m nên không đảm bảo an toàn, trung bình cứ 10 giếng có 3 giếng khoan bị nhiễm asen.
Theo kết quả điều tra về bệnh tật do nguồn nước sông Nhuệ của UBND tỉnh Hà Nam vào thời điểm 2003, có tới 21% trẻ em dưới 5 tuổi tại xã Hoàng Tây bị mắc bệnh tiêu chảy. Tại 2 xã Hoàng Tây, Nhật Tân (huyện Kim Bảng), có tới 86% trẻ em mắc bệnh giun đũa, 76% mắc bệnh giun tóc và 9% mắc bệnh giun móc. Tỷ lệ mắc các bệnh về mắt, ngoài da và phụ khoa rất cao.
Đặt câu hỏi về sự an toàn của nguồn nước nơi đây, nhiều cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước xét nghiệm nhưng kết quả bặt vô âm tín, còn người dân vẫn chờ đợi mãi trong hy vọng.
Nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, xã Hoàng Tây đã được hỗ trợ xây dựng 2 nhà máy nước từ năm 2000 để cung cấp nước sạch cho nhân dân với tổng số vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 nhà máy này chỉ hoạt động được vài tháng sau khi hoàn thành vào năm 2006 rồi bỏ hoang cho đến bây giờ. Xã giải trình là do dân kêu giá nước đắt, còn người dân bảo nước chưa đạt tiêu chuẩn.
Nếu tình hình này còn tiếp diễn lâu dài, e rằng người dân vùng chiêm trũng nơi đây vốn nghèo nay lại thêm nỗi lo bệnh tật, cái chết cận kề.