ThienNhien.Net – Số lượng sếu đầu đỏ về Kiên Giang hàng năm giảm dần tỷ lệ thuận với “đất ở” của sếu bị thu hẹp. Nhiều dự án đầu tư bảo vệ đàn sếu và nơi ở của chúng đã được tiến hành, song kết quả không mấy khả quan.
Theo kết quả khảo sát của ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, năm 2002, Hà Tiên-Kiên Lương còn khoảng 20.000ha đất tự nhiên, ngập nước, nhưng đến nay phần lớn đã biến thành đất trồng lúa, nuôi tôm. Những vùng đất ngập nước thích hợp cho sếu hiện còn rất ít.
Những nỗ lực của Hội Sếu Quốc tế (ICF) về bảo vệ sếu đang gần như vô vọng. Sau khi được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt dự án bảo tồn đồng cỏ bàng tại xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương (nay là huyện Giang Thành), ICF đã vận động các nhà tài trợ đầu tư hơn 380.000USD (giai đoạn 2004-2009) phát triển nghề thủ công truyền thống, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm người dân trong vùng với mức thu nhập ổn định để đảm bảo đời sống, tránh xâm phạm đất ở cũng như săn bắn sếu. Nhưng theo phản ảnh của báo Lao Động ngày 21/04/2010, nếu như năm 2009, gần như chỉ có người dân bao chiếm, đào mương, đắp bờ thì đến năm 2010, ngoài quyết định bám trụ của người dân còn có nhiều doanh nghiệp hùa theo.
Cty Hạ Long, nằm sát ngay bãi ăn thuộc khu bảo tồn, dựng lên “rừng lưới” nhằm xua đuổi cồng cộc phá tôm, nhưng vô tình tạo thành chiếc bẫy xua đuổi sếu đầu đỏ vốn rất nhạy cảm với thay đổi sinh cảnh.
Còn Nhà máy ximăng Holcim, không lâu sau lời cam kết với ICF giữ lại bãi ngủ của sếu tại khu vực Hòn Chông, đã đưa phương tiện cơ giới vào đào bới, biến vùng đất sát bãi ngủ thành “đại công trường”, buộc đàn sếu phải rời bỏ nơi từng gắn bó hơn 10 năm. Nhưng điều đáng nói là nhiều cán bộ, đảng viên và cả Phó Bí thư Đảng uỷ xã cũng bao chiếm, mua bán đất trái phép, và thiếu nhiệt tình trong việc giúp ICF hoàn thành giấy đỏ khu bảo tồn, làm cơ sở pháp lý trong việc đấu tranh bảo vệ đất cho sếu.
Mới đây, ICF cam kết tiếp tục vận động 120.000USD thực hiện dự án giai đoạn 2010-2012. Tuy nhiên, bấy nhiêu ấy vẫn chưa đủ để ngăn dòng người giành đất. Trong tổng số 2.890ha Kiên Giang giao làm khu bảo tồn đồng cỏ bàng, hiện nay chỉ còn 1.200ha đất tự nhiên.
Khi ICF đang nỗ lực chuẩn bị các thủ tục để kiến nghị tỉnh Kiên Giang khoanh vùng, giữ các phần đất này cho sếu, thì xuất hiện dự án xin phần đất gần bãi sếu ở Hà Tiên để nuôi tôm và tại hiện trường mọc lên hàng loạt công trình khẳng định chủ quyền như dựng lều trại, xây cống điều tiết nước…
Không biết với tình hình này, Kiên Giang còn “vui lòng” đón sếu đầu đỏ về hằng năm.