ThienNhien.Net – Trong khi nhiều loài động thực vật mới được phát hiện, số loài đang biến mất cũng không phải là con số nhỏ. Thế giới tự nhiên đang bị đe dọa bởi thay đổi khí hậu và bởi chính bàn tay của con người. Sự suy giảm của giới tự nhiên trên Trái đất có thể khiến những thế hệ tương lai không còn cơ hội nhìn thấy nhiều loài động thực vật ngày nay.
Theo các nhà khoa học, khi môi trường sống bị biến đổi vượt ra ngoài giới hạn mà loài vật có thể thích nghi, nhiều động vật ngày nay vốn rất phổ biến có thể sẽ tuyệt chủng sau năm 2050.
Gần đây, nhiều loài mới trong giới tự nhiên đã được khoa học ghi nhận. Trong đó có 163 loài động thực vật mới được tìm thấy ở vùng rừng nhiệt đới, lưu vực sông Mê Kông, Đông Nam Á, phần lớn là các loài lan, rắn, thằn lằn, chuối dại. Còn ở Papua New Guinea, trên miệng một núi lửa đã ngừng hoạt động, người ta mới phát hiện thấy loài chuột khổng lồ, chuột túi sống trên cây và khoảng 40 loài khác.
Tuy nhiên, trong khi nhiều loài kì lạ mới được khám phá, nhiều loài động, thực vật khác lại đang giảm mạnh về số lượng. Trong tổng số 1.899.587 loài trên Trái Đất có một số loài đặc hữu nhưng ít được biết đến đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng khá cao, trong khi số khác có thể sẽ biến mất trước khi được khám phá ra.
Nghiên cứu kéo dài ba năm về giống cá tầm thìa Trung Quốc được tiến hành dọc 500 km vùng thượng lưu sông Dương Tử, đã thất bại hoàn toàn khi không thể tìm thấy một cá thể nào. Các chuyên gia lo sợ rằng loài cá tầm thìa đã chịu chung số phận với loài cá heo Baiji Dương Tử, đã tuyệt chủng.
Một báo cáo gần đây về khu vực Mê Kông của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết, sự đa dạng sinh học và môi trường sống của sinh vật vùng này “tiếp tục phải đối mặt với làn sóng những mối đe dọa phát triển không ngừng: mất nơi sinh sống do phát triển cơ sở hạ tầng ồ ạt cộng với việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp.”
Tác động của biến đổi khí hậu
WWF cũng cho biết những mối đe dọa này càng trở nên tồi tệ thêm trong bối cảnh biến đổi khí hậu vốn đang làm biến đổi lưu lượng nguồn nước ngọt, gây nên lũ lụt kéo dài, làm thay đổi quy mô, môi trường phân bố, thời gian di trú, thời gian sinh sản-nở hoa… của động thực vật. Kết hợp với những nguy cơ khác, những thay đổi này đe dọa nghiêm trọng nhiều loài đặc hữu của khu vực này bao gồm cả những loài chỉ vừa mới được phát hiện.
WWF cũng lưu ý biến đổi khí hậu tác động đến các loài ở mức độ khác nhau, do đó một số loài có thể thích nghi, trong khi một số loài không thể tồn tại. Những loài có sức chịu đựng và khả năng thích nghi với thời tiết yếu có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Những loài có nguy cơ tuyệt chủng, đặc hữu, quý hiếm và những loài sống trong hệ sinh thái núi rừng đặc biệt gặp nguy hiểm hơn bởi biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục thu hẹp môi trường sống vốn đã bị giới hạn của chúng.
Các loài đang phụ thuộc nhiều vào một vài hay thậm chí chỉ phụ thuộc vào một loài nào đó cũng đang bị đe dọa vì những loài kia có thể phản ứng với biến đổi khí hậu theo cách có thể phá vỡ các mối quan hệ tiến hóa chặt chẽ.
Theo các tổ chức môi trường, “biến đổi khí hậu dự kiến sẽ gây ra những thay đổi lớn trong cấu trúc, thành phần và diễn trình của hệ sinh thái”.
Tác động của con người
Hành động của con người cũng đóng vai trò đáng kể trong sự suy giảm số lượng loài. Nhiều loài động vật hiện đang bị săn lùng vì bộ da hay các bộ phận khác trên cơ thể của chúng. Nếu cộng đồng quốc tế không đưa ra những chiến lược mới để đảm bảo sự tồn tại của chúng, những loài này khó có thể còn tồn tại trong tương lai.
Trong một đoạn phim thông điệp gửi đến hội thảo về bảo tồn hổ tại Kathmandu (Nepal), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick đã cho rằng các thương lái và thợ săn phi pháp đã được “tổ chức tốt hơn” các nhà hoạch định chính sách và bảo vệ môi trường.
Những loài không có tương lai
Một cuộc điều tra của Úc về số lượng động, thực vật cho thấy gần 10% loài có xương sống trên hành tinh đang bị đe dọa. Nguy cơ tuyệt chủng của các loài được báo cáo như sau: 20,8% đối với động vật có vú; 12,2% với loài chim; 29,2% với động vật lưỡng cư; bò sát là 4,8% và cá 4,1%.
Theo một phân tích của Sách Đỏ 2008 với tiêu đề “Động vật hoang dã trong một thế giới đang thay đổi”, thì trong tổng số 44.838 loài đã được nghiên cứu, có 869 loài đã tuyệt chủng hoặc tuyệt chủng trong tự nhiên. Con số này có thể lên đến 1.159 nếu tính cả 290 loài đang được liệt vào danh sách có thể tuyệt chủng.
Theo Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN), ít nhất có 16.928 loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, chiếm 2,7% trong tổng số 1,8 triệu các loài đã được xác định. Mặc dù con số này vẫn chưa đánh giá hết được mức độ thiệt hại trong tự nhiên, nhưng nó cung cấp một cái nhìn tổng quan về những gì đang xảy ra với tất cả các hình thái sống trên Trái Đất.
Theo Sách Đỏ 2009, động vật lưỡng cư được coi là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên hành tinh, với 1.895 trên tổng số 6.285 loài bị đánh giá là có nguy cơ tuyệt chủng.
Trên khắp thế giới, những loài đã tuyệt chủng, hoặc đang trên bờ vực này, có thể kể đến tê giác đen Tây Phi, tê giác trắng Bắc Phi và tê giác Java, linh miêu Iberia, linh dương Saiga Châu Á, khỉ đột Trung Phi, báo Amur Nga, cóc vàng Costa Rica, vượn cáo Aye-aye Madagascar và lợn biển Amazon…
Cũng đang bị đe dọa là một số giống cây và chim ở Hawaii, tuyết tùng dại ở Li-băng, cá tầm, ong mật, những loài hoa thanh tú như lan hài, nhung tuyết, các loài linh trưởng và các sinh vật biển, cùng những rạn san hô.
Số phận của gấu Bắc cực cũng đang đặc biệt nghiêm trọng như vấn đề băng tan vậy. Trong khi vẫn phụ thuộc nhiều vào băng tuyết để săn bắt và sinh sản, loài gấu này lại đang mất dần nơi ở của mình. Các nhà khoa học cho biết ít nhất 8 trong tổng số 19 loài gấu Bắc cực đã được nhận diện đang suy giảm mạnh về số lượng. Một số được báo cáo là bị chết đuối, kiệt sức do bơi dài, mà không có thức ăn và không gặp băng.
Tóm lại, điều đáng buồn là bằng cách này hay cách khác, một số loài động thực vật có thể sẽ biến mất khỏi Trái Đất khi hành tinh này ấm lên trong những thập kỷ tới.