ThienNhien.Net – Sau loạt thông tin phản ảnh trên báo chí, Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã cử đoàn kiểm tra xuống làm việc tại địa bàn tỉnh Bắc Kạn về công tác quản lý bảo vệ rừng và tình hình khai thác, mua bán vận chuyển gỗ trái phép trung tuần tháng 4 vừa qua. Kết luận từ đoàn kiểm tra một lần nữa nhấn mạnh tình trạng khai thác gỗ trái phép trên núi đá ở Bắc Kạn đang thực sự là vấn đề nóng bỏng. Đoàn cũng đã phát hiện tính thiếu xác thực trong nội dung báo cáo của địa phương.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn, từ cuối năm 2009 đến nay, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, lâm tặc đã chặt hạ 85 cây gỗ nghiến với khối lượng 228 khối gỗ tròn, trong đó tại xã Côn Minh 38 cây với 117 khối gỗ, xã Ân Tình 47 cây với 111 khối.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp, ông Hà Công Tuấn, và Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, ông Đỗ Trọng Kim, đều cho rằng báo cáo đó không phản ánh đúng tình hình thực tế phá rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Gỗ nghiến bị chặt hạ đã lên tới hàng nghìn khối, chứ không “khiêm tốn” như số liệu báo cáo.
Báo cáo của tỉnh Bắc Kạn cho biết trong quý I/2010, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 462 vụ khai thác và vận chuyển gỗ trái phép (73 vụ xảy ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ ), trong đó khởi tố hình sự 4 vụ. Cũng trong giai đoạn này, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể đã lập 14 biên bản về khai thác rừng trái phép, thống kê số lượng bị chặt hạ (gồm cả cũ và mới) là 70 cây nghiến, với hơn 335m3 gỗ, tuy nhiên đã không xác định được đối tượng vi phạm.
Tỉnh hiện có hơn 94.000 ha rừng phòng hộ, trong đó có gần 19.000 ha rừng giáp ranh, có gỗ quý hiếm và có những diễn biến phức tạp trong quản lý, bảo vệ. Đặc biệt là mặt hàng gỗ nghiến dạng thớt có thị trường tiêu thụ rất mạnh, giá thu mua cao từ phía Lạng Sơn nên thu hút nhiều lao động là người địa phương tham gia khai thác, vận chuyển, dẫn tới tình trạng tàn phá rừng nghiêm trọng.
Việc mở tuyến đường 279 từ Tuyên Quang sang qua cột mốc số 107 Vườn quốc gia Ba Bể nơi giáp ranh với Cao Thượng cũng đang gây sức ép lên công tác quản lý tài nguyên rừng tại chỗ.
Sự chống trả của lâm tặc khiến cho công tác thực thi pháp luật của kiểm lâm càng thêm khó khăn. Từ năm 2009 đến nay đã có 47 vụ lâm tặc chống người thi hành công vụ, với các hình thức chống đối rất quyết liệt như ném đá, dùng dao chém, kim tiêm uy hiếp, đánh chông, dùng vôi bột trộn ớt bột ném vào mặt, lăng mạ, hù dọa…., hậu quả là có 5 kiểm lâm bị thương tích.
Mặc dù tỉnh cho biết đã thực hiện bổ sung và luân chuyển cán bộ kiểm lâm, lập các chốt trong vùng lõi và vùng đệm khu bảo tồn để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ rừng, song những gì đang tiếp diễn cho thấy việc ngăn chặn của lực lượng kiểm lâm cũng như sự can thiệp của các cơ quan hữu trách tỉnh Bắc Kạn là không đủ hiệu quả.
Phân tích tính chất đặc biệt nghiêm trọng của tình trạng chặt phá rừng nghiến trên núi đá diễn ra tại Bắc Kạn trong thời gian dài vừa qua, ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho rằng: lâm tặc được tổ chức đông người, có đường dây vận chuyển. Điều đáng lo là chúng đã dùng tiền để huy động được một số lượng lớn bà con bản địa tham gia khai thác và vận chuyển cho chúng. Gỗ quý hiếm như nghiến đang bị khai thác ở nhiều điểm với số lượng lớn. Có thể đang có một vài cán bộ tha hóa tiếp tay cho lâm tặc vì thực tế có những điểm chốt chặn nhưng vẫn có gỗ đi qua.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam, ông Đỗ Trọng Kim nhận định, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng phá rừng nghiến là do các cấp, các ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, thậm chí có nơi, có lúc còn buông lỏng, chính quyền địa phương đứng ngoài cuộc bảo vệ rừng.
Cùng là một địa bàn nhưng khu bảo tồn lại có phương thức quản lý khác với Vườn quốc gia. Cơ cấu tổ chức của Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ chưa hợp lý, lãnh đạo Khu bảo tồn hầu như không đi rừng mà chủ yếu phó thác cho anh em kiểm lâm vốn đã quá mỏng.
Để giải quyết vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp đề nghị tỉnh dứt khoát phải truy quét mạnh tại rừng cũng như các tụ điểm tập kết; làm trong sạch nội bộ; phân loại đối tượng lâm tặc, xử lý đối tượng cầm đầu; cấp ủy, chính quyền cần có chỉ đạo sát sao; nếu có kinh phí thì xã phải huy động lực lượng dân quân tự vệ tham gia tuần rừng; rà soát lại để những khu vực nào có thể giao khoán bảo vệ thì giao khoán ngay (như tại Vườn quốc gia Ba Bể đã có kinh phí theo đề án 30A của Chính phủ). Riêng đối với Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, cần nhanh chóng kiện toàn Ban Quản lý, không để kiêm nhiệm như hiện nay.
Việc tăng biên chế cho ngành kiểm lâm đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương, vì vậy trong thời gian tới việc bổ sung thêm cán bộ cho Bắc Kạn là có thể. Tuy nhiên, bảo vệ rừng là phải từ gốc rễ vấn đề, huy động được sức dân là chủ yếu, kiểm lâm là lực lượng nòng cốt. Do đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp để giữ được rừng.