Hội nghị Bộ trưởng quốc tế về đại dịch cúm

ThienNhien.Net – Hội nghị Bộ trưởng quốc tế về Cúm động vật và Đại dịch năm 2010 (IMCAPI) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam có chủ đề “Định hướng cho tương lai”.


Chính thức khai mạc ngày 20/04 tại Hà Nội, IMCAPI là diễn đàn để các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm, xác định những khó khăn thách thức và nêu ra các giải pháp khắc phục, hỗ trợ phòng chống cúm gia cầm độc lực cao, cũng như cách thức chuẩn bị ứng phó một đại dịch cúm có thể xảy ra.

Đây là hội nghị lần thứ 7, tiếp nối các hội nghị quốc tế cấp cao về lĩnh vực này trong thời gian 4 năm qua.

Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Nông nghiệp (hay Cục Chăn nuôi) và Bộ trưởng Bộ Y tế từ hơn 100 quốc gia, với hơn 700 đại biểu và các nhà lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế cũng như khu vực.

IMCAPI 2010 bế mạc ngày 21/04/2010, sẽ đánh giá diễn biến toàn cầu trong việc kiểm soát đại dịch cúm (do virus cúm A/H5N1 gây ra) và đề xuất các giải pháp tiếp theo nhằm giảm nhẹ và tìm kiếm khả năng loại trừ mối đe dọa này.

Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ rà soát lại những giải pháp đối phó của thế giới đối dại dịch cúm A/H5N1 hiện nay và tình hình chuẩn bị đối phó đại dịch trên toàn cầu, đề xuất một số lĩnh vực cần chú trọng tăng cường năng lực toàn diện nhằm đối phó kịp thời với những trường hợp y tế quan trọng.

Điểm quan trọng nhất là Hội nghị sẽ tập hợp các kiến thức sâu rộng đã đúc kết được qua các lần đối phó với dịch cúm A/H5N1 và đại dịch cúm A/H1N1, đồng thời đề xuất cách thức tăng cường bảo vệ khỏi các mối đe dọa y tế phát sinh từ gia súc thông qua việc thiết lập các hệ thống tổng hợp, hiệu quả và bền vững.

Các Bộ trưởng sẽ thảo luận và nhất trí nội dung Tuyên bố Bộ trưởng, làm cơ sở hướng dẫn công tác hợp tác và điều phối giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong năm 2010 và sau này.

Tại cuộc họp trù bị trước thềm IMCAPI Hà Nội 2010 diễn ra ngày 19/04, ông Jean Marc Olive, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện đầu tiên ở châu Á vào năm 2003, sau đó lan rộng, đi từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Cho đến nay, đã ghi nhận hơn 490 trường hợp mắc cúm gia cầm và 290 trường hợp tử vong trên thế giới. Năm nay chỉ có 3 nước là Ai Cập, Indonesia và Việt Nam còn ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 ở người.

Theo ông Jean Marc Olive, giai đoạn 2009 – 2010, các trường hợp mắc cúm A/H5N1 ở người đã giảm đi. Khi phân tích tình hình dịch từ năm 2003 đến nay cho thấy, ngày càng có sự phối hợp, điều phối tốt hơn trong việc xử lý, phản ứng kịp thời với dịch cúm A/H5N1 và A/H1N1 ở cấp quốc gia và cấp toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Jean Marc Olive cho biết, virus cúm A/H5N1 vẫn còn tồn tại trong gia cầm, đặc biệt là ở khu vực nông thôn nơi còn nghèo đói, công tác chăn nuôi chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, hợp lý, nên tỷ lệ rủi ro mắc bệnh ở những vùng này vẫn cao hơn. Do đó không thể chủ quan, lơ là công tác phòng chống.

Ông Jean Marc Olive cũng cảnh báo về nguy cơ kết hợp 3-4 loại virus với nhau (gồm những virus từ gà, lợn, người) tạo ra chủng virus mới có thể lây truyền nhanh từ người sang người. Bên cạnh đó, sự đi lại thuận tiện giữa biên giới các nước làm tăng khả năng lây lan của virus.

“Đa số các trường hợp mắc cúm sau này có những biến chứng phức tạp hơn xảy ra ở những đối tượng đáng lưu ý như phụ nữ mang thai. Trường hợp tử vong xuất hiện cả ở những người trẻ có sức khỏe tốt… Những khu vực vẫn có nguy cơ cúm nhiều nhất là Đông Nam Á, Tây Phi và vùng nhiệt đới ở Mỹ”, ông Jean Marc Olive nói.