ThienNhien.Net – Ngay sau loạt bài viết và hình ảnh về tình trạng “xẻ thịt” vườn quốc gia và khu bảo tồn ở Bắc Kạn phản ánh trên trang tin Con người và Thiên nhiên và một số báo trong tháng 3 vừa qua, chúng tôi đã phỏng vấn ông Hoàng Ngọc Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, về quan điểm của tỉnh.
– Thưa ông, như ông đã biết, nhóm PV chúng tôi đã xâm nhập thực tế, điều tra khá công phu về tình trạng tàn sát các di sản thiên nhiên nổi tiếng của Việt Nam nằm trên đất Bắc Kạn, và có loạt bài đăng trên các báo …
Ông Hoàng Ngọc Đường: Ngay từ chiều 31/3/2010, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình cụ thể. Cùng ngày, chúng tôi cũng giao văn phòng gửi ngay công văn cho Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Kạn, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, VQG Ba Bể (riêng công văn cho Ba Bể thì gửi sau)… báo cáo tình hình báo chí đã nêu, phương hướng giải quyết các “điểm nóng” thế nào.
14h chiều hôm đó, ngay tại UBND tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi cũng đã tổ chức họp Ban chỉ đạo các vấn đề cấp bách liên quan đến rừng của tỉnh. Thành phần tham dự có cả lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo quân đội, công an, kiểm lâm, nông nghiệp, tài chính, 2 lãnh đạo Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, Chủ tịch UBND và hạt trưởng kiểm lâm huyện Na Rì… .
Từ đó đến nay, chúng tôi tổ chức truy quét, tăng cường thêm cả kiểm lâm của các huyện khác, các đội cơ động của tỉnh cùng vào cuộc. Hiện nay, thường xuyên có khoảng 50 đến 60 cán bộ đang ở trong rừng để truy quét lâm tặc, kiểm kê thiệt hại.
Tất nhiên còn kế hoạch tiếp nữa, còn lực lượng tăng cường nữa. Tin mới nhất, đoàn công tác vừa bắt được 4 xe máy và nhiều gỗ tang vật. Đường dây điện thoại nóng của tôi với đồng chí hạt trưởng kiểm lâm khu bảo tồn, Chi cục trưởng kiểm lâm tỉnh “nối” liên tục đấy.
Họp ban chỉ đạo, tôi cũng nói rõ, việc trước mắt bây giờ là phải dập được các cái điểm nóng chặt phá gỗ nghiến trong rừng bảo tồn, nhưng cái khó nhất cũng lại là: sau đợt này, làm sao để tiếp tục giữ được rừng, giữ như thế nào. Hội nghị đã cho rằng, các nội dung mà báo Lao Động thể hiện là rất đúng với thực tế tình hình, nhiệm vụ của chúng tôi là kiên quyết truy quét để không trở thành “điểm nóng”.
Tuy nhiên, một số tờ báo nói rằng, lâm tặc câu kết với kiểm lâm, là rất khó chứng minh, vì mình có bắt được khi người ta đang làm điều đó đâu. Lại còn việc này nữa, có bài báo viết răng bà con bản xứ báo tin cho lâm tặc khi kiểm lâm lên xe đi tuần (truy quét). Có một sự thật là, chỉ một cú điện thoại (di động) báo, là người dân kia được trả hai trăm nghìn từ lâm tặc rồi.
Tôi từng cùng với đồng chí Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đi kiểm tra ở khu vực Kim Hỷ, tôi thấy thế này: nếu đồng bào bảo vệ giúp mình cây gỗ nghiến kia bà con chẳng được xu nào cả. Tất nhiên, là bảo vệ tài sản quốc gia, là nhiệm vụ cao cả của tất cả bà con, nhưng xét về mặt đồng tiền cụ thể, thì đúng là như thế. Hay là vấn đề khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, một năm, một héc-ta khoanh nuôi “thành công”, bà con được 100 nghìn (bằng 1/3 số tiền khênh một cái thớt nghiến ra khỏi cửa rừng trong… vài phút!).
Tôi khẳng định, kẻ phá rừng thật sự là kẻ đứng đằng xa, đi xe lếch-xớt-lếch-xù (ý rằng xe hơi đắt tiền), còn bà con nghèo thì đi làm cửu vạn cho nó.
– Khác với Vườn quốc gia Ba Bể, nghiến cổ thụ bị khai thác trong rừng già, ở Kim Hỷ, lâm tặc hoạt động rất nghênh ngang, coi thường luật pháp. Đó là lý do để không ít ý kiến cho rằng, nói không thấy, không bắt được lâm tặc ở khu vực Khu bảo tồn Kim Hỷ chỉ là một cách nói dối. Chưa kể, chính kiểm lâm cơ sở thừa nhận về dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay cho lâm tặc ở chính lực lượng của mình. Thưa ông, sắp tới cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn có ý định điều tra về những tiêu cực trong nội bộ lực lượng kiểm lâm cơ sở không?
Ông Hoàng Ngọc Đường: Ngay lúc đang đi “dẹp điểm nóng” này lại mang lực lượng kiểm lâm ra để điều tra, xử lý thì không nên. Trước mắt, anh em mình đang rất vất vả nằm rừng nằm rú để truy quét lâm tặc cơ mà.
Vả lại, ngoài dư luận đồn thổi” (và những nhận định của một số cán bộ) ra, chưa bắt được vụ tiêu cực nào cụ thể về việc kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc cả. Tất nhiên, nếu điều tra thấy có việc kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc hay nhận hối lộ, lúc ấy sẽ phải xử lý nghiêm, dù họ ở cấp nào đi nữa.
Nhưng, nếu thật sự là lực lượng kiểm lâm có tiêu cực, chúng ta có thể sẽ phải điều tra, khi có thêm thông tin tương đối chính xác. Xem là việc đó có không, nếu có thì có đến đâu. Vì cũng nghe là có chuyện đó, nên vừa rồi chúng tôi cũng cho luân chuyển một loạt các cán bộ kiểm lâm, từ hạt nọ sang hạt kia, huyện nọ sang huyện kia, trạm này sang trạm kia. Tất nhiên họ là con người chứ đâu có phải là rô-bốt đâu, họ sẽ có “thích nghi” (quan hệ) ngay nếu như họ còn có “cái ý như thế” (tiêu cực với lâm tặc)…
– Được biết, chiến dịch ra quân của lực lượng liên ngành tỉnh Bắc Kạn đã có kết quả bước đầu, ông thật sự có tin vào các báo cáo đó không?
Ông Hoàng Ngọc Đường: Anh em đã báo cáo, số lượng cây bị chặt là 85 cây nghiến cổ thụ ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, số lượng là 236m3. Tại Vườn quốc gia Ba Bể, 20 cây nghiến khổng lồ nữa cũng bị chặt hạ, xẻ thành… từng bắp. Nếu không tin vào các báo cáo đó, thì giờ đây, ta làm thế nào được, đó là số họ báo cáo mà. Nếu không tin thì mình biết làm thế nào? Vì họ có biên bản với từng cây gỗ mà, mình phải tin anh em thôi.
Tại VQG Ba Bể, có chặt hơn 20 cây gỗ nghiến, xẻ theo kiểu làm nhà, có nguy cơ đem đi bán. Chúng tôi tiến hành điều tra trong dân, toàn bộ gỗ không rõ nguồn gốc ở khu vực có rừng bị phá kia là sẽ bị tịch thu. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm lâm áp sát địa bàn, giải quyết dứt điểm sự việc. Chúng tôi xác định điểm nóng nữa là rừng bảo tồn Kim Hỷ, họ đã phá rừng nhiều năm nay.
Không chỉ ở Kim Hỷ, trước đây nó diễn ra ở vùng giáp ranh tỉnh Lạng Sơn, các xã như Hảo Nghĩa, Liêm Thuỷ, Sơn Dương… Và, chúng tôi đã ra quân nhiều lần trong năm 2009, đến nay tình hình đã dịu xuống. Nhưng tất nhiên ta cũng thừa nhận là: gỗ nghiến ở miền Bắc bây giờ còn rất ít, nó chủ yếu tập trung ở vùng Bắc Kạn thôi, cho nên, ta tập trung làm dịu “cơn nóng” chặt gỗ nghiến ở chỗ này, thì nó lại nổi lên ở chỗ khác. Và bây giờ, nó nóng lên ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.
Số liệu từ đầu năm 2010 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý tới 60-70 vụ, đã khởi tố 4 vụ án phá rừng. Dù xử lý khá kiên quyết, tuy nhiên, hiệu quả vẫn không cao. Có 14 vụ lâm tặc chống lại kiểm lâm, ví dụ, dùng dao phay chống lại, thậm chí, thủ đoạn cực kỳ nguy hiểm của chúng là cắt dây, thả những chiếc thớt nghiến lớn xuống, thả đinh ba chạc bằng sắt nhọn xuống để “bẫy”, hãm hại lực lượng kiểm lâm đang truy đuổi.
Vì hiệu quả giữ rừng chưa cao, nên chúng tôi phải tiếp tục truy quét, dùng 18 kểm lâm của Khu bảo tồn, lực lượng kiểm lâm cơ động của của tỉnh, cộng quân đội và công an huyện Na Rì, thêm kiểm lâm 2 huyện Ngân Sơn, Chợ Rã sang tăng cường hỗ trợ, vừa lên rừng kiểm kê, vừa truy quét. Ngay ngày 1/4/2010, đã có thông báo về 85 cây nghiến cổ thụ bị chặt hạ như đã nói ở trên.
– Được biết, vì quá đau đầu với nạn tàn sát các rừng nghiến ở Bắc Kạn, tỉnh đã có báo cáo gửi lên Trung ương, xin phép một quy chế đặc thù ngõ hầu cứu vãn được các kho tàng nghiến cổ thụ trên núi đá?
Ông Hoàng Ngọc Đường: Chúng tôi đã báo cáo với Chính phủ và Bộ NN-PTNT, trong năm 2009 đã xây dựng cơ chế đặc thù cho Bắc Kạn để bảo vệ rừng gỗ quý quý hiếm, cụ thể là cây nghiến, cây gỗ quý thuộc nhóm 2.
Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng đề án, dù còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cũng đã xây dựng xong và báo cáo với Thủ tướng. Thủ tướng giao cho Bộ NN-PTNT xem xét, và chúng tôi đã đi báo cáo với Bộ về cơ chế này.
Tức là: dù nghiến là một tài sản quốc gia, tài sản thiên nhiên rất quý hiếm, nhưng mà với cơ chế hiện nay, đất rừng gỗ nghiến ấy là chúng ta chưa giao cho dân. Vì sao không giao cho dân, vì trên đó có tài sản quốc gia. Nếu giao cho dân, nhỡ đâu, họ làm chủ, họ sử dụng thế nào cũng được, có khi lại có chuyện (không hay cho rừng) xảy ra. Hiện nay chưa giao cho dân, các rừng nghiến đó, mới chỉ dừng lại ở chỗ: để cho uỷ ban các xã quản lý. Nhưng, ở UBND các xã thì lấy rừng đâu mà đi giữ nghiến?
Nhìn chung, phổ biến là từ trụ sở UBND các xã đến rừng nghiến thì phải 3-4 giờ đi bộ mới tới nơi. Trong khi đó, lâm tặc ở vùng giáp ranh với Bắc Kạn, chỉ cần 20 phút đi bộ là họ đã có mặt ở rừng của chúng tôi rồi. Với dân sống trong rừng, gần rừng, thì có khi gỗ nghiến quý nằm ở ngay sau lưng nhà họ.
Bây giờ nó sinh ra cái chuyện là: chúng ta luôn vận động bà con giữ tài sản quốc gia, chừng mực nào đó, về mặt ý thức là đúng rồi, nhưng vấn đề là, trong thực tiễn, người ta giữ như thế thì họ được bao nhiêu tiền?
Tiền, theo quy định bây giờ, 1 năm giữ rừng họ được hưởng 100 nghìn đồng, trước đây là 50 nghìn đồng. Số tiền đó quá ít ỏi, theo giá bây giờ. Số tiền trong 1 năm đó, chỉ bằng 1 phần 3 cục thớt nghiến kia, thế thì làm sao đồng bào giữ cho mình (mà không đi chặt nghiến cưa làm thớt bán) được?
Cho nên, chúng tôi đã nghĩ ra một cái cách, chúng tôi đã mời Thứ trưởng Bộ NN-TPNT đi thị sát trên diện rộng ở các rừng nghiến, rồi đặt vấn đề: hay là, nếu có thể, chúng ta theo phương pháp “đặc thù” thế này: (giả dụ) có 10 cây nghiến, chúng ta sẽ cho phép bà con đàng hoàng chặt 1 cây, được 1 số tiền có thể ăn trong bao năm đó (coi như công giữ rừng), họ vào đó để bảo vệ 9 cây còn lại; và bao nhiêu năm nữa, thì họ lại được chặt tiếp một cây nữa, bảo vệ 8 cây còn lại…; và đồng thời những cái cây nhỏ nó lại lớn lên.
Và các nhà khoa học đã tính cho chúng tôi rằng khả năng tăng sinh khối của nghiến vào khoảng 4%, từ đó có thể tính được rừng nghiến trữ lượng bao nhiêu mét khối, bao nhiêu năm thì tăng thêm bao nhiêu khối, được chặt bao nhiêu, tiền ấy cho cuộc sống thiết thực của cộng đồng bảo vệ rừng như thế nào.
Chúng tôi cũng đang bàn thảo, hoàn thiện đề án này để báo cáo với Thủ tướng lần nữa, để xin cơ chế đặc thù. Đó là, đi đánh dấu toàn bộ các cây gỗ nghiến còn có mặt trên rừng, biến nó thành khu vực rừng nghiến mà mỗi cây gỗ có lý lịch, với đường kính bao nhiêu, giao cho cộng đồng thôn bản là ai giữ, ai được cấp phép chặt cái cây nào, xin phép ai thẩm định thì mới được chặt.
Chúng tôi cũng xin phép để có thể Chủ tịch tỉnh hoặc huyện cũng có thể quyết vấn đề “cho phép chặt nghiến” ở những cấp độ khác nhau, tuỳ từng cây (với “vai trò” của nó khác nhau). Tất nhiên, các phương án này sẽ chỉ được thực thi khi có sự đồng thuận, có hội thảo và sự nhất trí để thí điểm, kẻo rất dễ gây tranh cãi.
– Nhưng hầu hết lâm tặc chặt gỗ nghiến là để mang ra nước ngoài, trong khi Bắc Kạn không có đường biên giới giáp ranh với nước nào cả, ông có nghĩ là: một mặt chúng ta cần kết hợp với tỉnh bạn quản lý chặt các “đầu ra” của “sản phẩm phá rừng”?
Ông Hoàng Ngọc Đường: Nói thẳng là các tỉnh quanh Bắc Kạn hiện nay không còn gỗ nghiến nữa. Cho nên, có của thì chúng tôi phải lo giữ của (khi lâm tặc tập trung vào… Bắc Kạn). Nhưng, vấn đề đặt ra là: Bắc Kạn không có đường biên giới với nước ngoài, mà thớt nghiến thì hầu hết chỉ ra nước ngoài, phải đi qua các tỉnh bạn.
Chúng tôi tha thiết đề nghị lực lượng ở các tỉnh hết sức vào cuộc với chúng tôi, để giữ rừng nghiến. Mà việc này đã nói trong rất nhiều cuộc họp, Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp, chúng tôi cũng đã bàn với các tỉnh biên giới (mà thớt nghiến của Bắc Kạn “xuất biên”) rồi, nhưng mà có thể nói… cũng không biết trách ai. Vấn đề là, có của thì mình phải giữ thôi.
– Là người nhiều năm sâu sát ở các rừng nghiến “báu vật” của Bắc Kạn, theo ông, bản chất các lỗ hổng bảo vệ rừng nghiến mà chúng ta đang nói, nó nằm ở chỗ nào?
Ông Hoàng Ngọc Đường: Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ chỉ thực sự trở thành điểm nóng ghê gớm từ Tết nguyên đán đến giờ, tất nhiên, trước đó đã lác đác rồi, chứ không phải không có. Trước có rừng giáp ranh để lâm tặc nó phá, phá vãn, rồi chúng mới “hết nạc vạc đến xương”, vươn đến vùng xa hơn trong “nội địa” của tỉnh. Trong các mục tiêu đó, có rừng bảo tồn 15.000ha, đầy ăm ắp gỗ Kim Hỷ, thế là họ ào ạt xông lên. Nó ào ạt từ sau Tết này này.
Bản chất nữa: dù chúng ta tuyên truyền nhiều, nhưng nhiều người dân họ cũng chưa thực sự ủng hộ chuyện giữ rừng, bởi tiền thì ai cũng cần, trong khi cục thớt tại rừng đã có giá ba trăm nghìn. Ra ngoài tí nữa được năm trăm nghìn, ra nữa thì càng đắt hơn.
Bởi những triền rừng gỗ nghiến cổ thụ quá quý, (dường như) là thứ không bao giờ có lại được nữa, cho nên lâm tặc nó mới quyết liệt “ăn trộm” như thế. Cho nên nó mới sẵn sàng chém trả kiểm lâm, sẵn sàng làm tất cả mọi biện pháp để chống lại lực lượng giữ rừng.
Nhưng muốn nói gì thì nói, chính những người mà hôm nay ta gọi là lâm tặc, thì lại là đồng bào còn nhiều khó khăn của ta, họ chỉ là người làm thuê. Còn những người cao tay hơn, đi xe ô tô sang trọng, comple cavat, tính tiền đô chứ đâu phải chỉ mấy trăm nghìn tiền Việt, những kẻ ấy mới là thủ phạm phá rừng đích thực (đầu nậu). Vấn đề còn lại là bắt được những kẻ chủ mưu đó, mới là chuyện không dễ dàng chút nào. Phải là một chuyên án lớn, có lần chúng tôi đã báo cáo cả lên Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về vấn đề này.
– Như báo chí đã phản ánh, việc cấp phép cho doanh nghiệp đào vàng quy mô lớn, suốt cả nghìn ngày ròng rã trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên, đó là điều không thể chấp nhận được, là điều mà chỉ có ở… Bắc Kạn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Hoàng Ngọc Đường: Khi mà làm việc đó, người ta đã đi thẩm tra, thẩm định, chỗ đào vàng đó đúng thực là trong khu vùng lõi bảo tồn rồi. Nhưng, khi kiểm tra, chỉ thấy bãi lầy, không dân, không có cây cối, không động thực vật gì; thế là họ cấp phép. Dĩ nhiên, cấp phép cho đào vàng ở vùng lõi đó là sai rồi.
Nhưng có lý do nữa (vấn đề này thì thường vụ tỉnh đã họp đã trao đổi rất nhiều rồi, Sở Tài nguyên môi trường phải lên giải trình rồi): tại thời điểm tỉnh cấp phép khai thác tận thu vàng, lúc đó, văn bản quy định của Chính phủ về việc cấm cấp phép khai thác khoáng sản trong khu bảo tồn, rừng đặc dụng lại chưa… được ban hành. Sau đó, quy định kia có hiệu lực, thì tỉnh lại cấp mất rồi. Bây giờ thì thôi, chúng tôi sẽ không cấp phép đào vàng ở đó nữa đâu, giấy phép của doanh nghiệp kia cũng đã hết hạn rồi, giờ chỉ bắt họ hoàn thổ thôi.
– Xin cảm ơn ông!
Cạn rừng Bắc Kạn
Đằng sau lời nói dối
Đen bạc quẳng lại giữa… miền vàng! – Kỳ 1
Đen bạc quẳng lại giữa… miền vàng! – Kỳ 2
Đen bạc quẳng lại giữa… miền vàng! – Kỳ cuối