ThienNhien.Net – Tập trung nghiên cứu và khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tái tạo và các công nghệ xanh khác là một chiến lược hợp lý, một bước đi cần thiết trên con đường phát triển bền vững. Tuy nhiên, điều này không phải bao giờ cũng mang lại hiệu quả thiết thực và lâu dài nếu ý thức của người dân chưa thân thiện với môi trường. Chính vì thế việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại quan trọng hơn nhiều là tuyên truyền ý cách thức áp dụng các công nghệ ấy và ý nghĩa của hành động đó.
Trong rất nhiều trường hợp, dù các phát minh xanh đã được áp dụng trong thực tế, xong khi việc tuyên truyền tới người dân còn hạn chế thì ứng xử của người dân chỉ đơn giản là chuyển thứ rượu cũ mang tên ‘lối sống tiêu thụ’ sang một chiếc bình mới có tên là ‘sinh thái’. Điều này dễ dẫn tới một nghịch lý là các nỗ lực nhằm làm tăng hiệu suất sử dụng một loại tài nguyên lại khiến cho loại tài nguyên đó được tiêu thụ nhiều hơn.
Nghịch lý này đã xảy ra đối với các loại ô tô tiết kiệm nhiên liệu. Nếu ta tốn ít tiền hơn để đổ xăng, ta sẽ dùng xe nhiều hơn, phủ nhận hoàn toàn các lợi ích sinh thái của các công nghệ sạch. Chính vì lẽ đó chiến lược tăng thuế năng lượng của châu Âu có vẻ mang lại hiệu quả hơn so với nỗ lực tăng hiệu suất sử dụng năng lượng như Australia và các nước Bắc Mỹ.
Tuy vậy, giáo dục tuyên truyền về phát triển bền vững sẽ khiến người dân hạn chế mức tiêu thụ năng lượng và trở thành những người ủng hộ văn hóa mới. Điều này mới giúp mang lại hiệu quả rõ rệt và lâu dài.
Một trong những chiến lược tuyên truyền thu được rất thành công là TravelSmart – Di chuyển thông minh – chương trình do nhà xã hội học người Đức Werner Börg khởi xướng.
Chiến lược của chương trình này là tiếp cận các hộ gia đình thông qua thư giới thiệu từ lãnh đạo thành phố. Nhân viên của TravelSmart sẽ tới tận các gia đình để cung cấp thông tin về các điểm đón xe công cộng và các đường đi bộ trong thành phố và giải thích ý nghĩa của việc di chuyển “sinh thái”.
Kết quả thu được tới thời điểm này rất đáng khích lệ. Tại các cộng đồng mà TravelSmart được triển khai, số km di chuyển bằng xe hơi của dân chúng đã giảm từ 12-14%. Kết quả này có khả năng kéo dài tới 5 năm sau khi chương trình kết thúc.
Tại Perth, Australia, 200.000 hộ gia đình đã tham gia Travel Smart. Kết quả là thành phố chứng kiến sự tăng vọt về số lượt sử dụng tàu điện.
Điều quan trọng hơn là các hộ gia đình tham gia TravelSmart sẽ trở thành những người ủng hộ các phương tiện di chuyển bền vững. Và khi ý thức của cả cộng đồng thay đổi, các chuẩn mực xã hội sẽ thay đổi và kéo theo sự thay đổi cách ứng xử của đa số người dân.
Bên cạnh TravelSmart, chương trình LivingSmart – Sống thông minh – cũng được triển khai ở Perth. Chương trình này tập trung giảm thiểu mức sử dụng năng lượng, nước và lượng chất thải từ các gia đình bằng cách tiếp cận và hướng dẫn riêng từng hộ dân. Tại Perth, cách tiếp cận này được dân chúng nhiệt tình ủng hộ với15.000 hộ gia đình đăng ký tham gia.
Sự thành công của những chương trình này đã chứng tỏ một điều rằng, việc vận động người dân thay đổi lối sống theo hướng thân thiện với môi trường sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi được cộng đồng ủng hộ và được củng cố bởi các chuẩn mực xã hội. Tuy nhiên, chuẩn mực này chỉ phát triển nếu người dân biết rõ tại sao và làm thế nào để có những lựa chọn bền vững.