Sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (gọi tắt là Đồ án quy hoạch Thủ Đô), Bộ Xây dựng đã chọn Liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkins Eastman – Hoa Kỳ, POSCO E&C và JINA – Hàn Quốc) là đơn vị thực hiện. Ngày 26/11/2009, bản Đồ án quy hoạch Thủ Đô đã được hoàn tất và trình lần thứ 3 lên Thủ tướng Chính phủ xem xét. Đánh giá việc quy hoạch chuyển Trung tâm Hành chính Quốc gia lên khu Hòa Lạc – Chân núi Ba Vì, có chuyên gia cho rằng, đó không khác gì một cuộc dời đô lần hai.
Quy hoạch mở rộng địa giới hành chính Thủ Đô có nhất thiết phải chuyển dịch vị trí Trung tâm Hành chính Quốc gia, khi mà sự chuyển dịch ấy vừa tiềm tàng những thay đổi to lớn về mọi mặt đời sống xã hội của người dân Thủ Đô, vừa không kế thừa những quy hoạch Hà Nội trước đây đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, chọn lựa và phê duyệt, khi Trung tâm Hành chính Quốc gia được xây dựng mới ở Mỹ Đình, huyện Từ Liêm và dự tính sẽ mở rộng ở đây một khu vực gắn bó hữu cơ với vị trí trung tâm chính trị, văn hóa lịch sử ngàn năm của Thủ Đô?
Khi chuyển Trung tâm hành chính quốc gia về một địa điểm mới, cũng đồng nghĩa với việc khu vực đó sẽ trở thành trụng tâm đầu não của cả nước, và vô hình chung, khu vực Hoàng Thành xưa mà Hoàng Đế Lý Công Uẩn đã lựa chọn để định Đô không còn là vị trí đắc địa của non sông nước Việt.
Thời báo Kinh tế Tài chính Việt Nam ngày 9/4/2010 đã dẫn lời Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng – Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho biết: “1000 năm trước, Chiếu dời đô của Hoàng đế Lý Công Uẩn thực chất là Chiếu dời trụ sở, bộ máy đầu não của triều đình (tương tự như Trung tâm Hành chính Quốc gia ngày nay) từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội bây giờ). Nay chúng ta quy hoạch Hà Nội, lại chuyển Trung tâm Hành chính Quốc gia từ trung tâm Hà Nội lên Hòa Lạc – Chân núi Ba Vì (trước đây là tỉnh Hà Tây cũ), xét cho cùng đây có khác gì một cuộc dời đô lần hai”!
Cũng theo lời của giáo sư Phạm Ngọc Đăng, nếu Trung tâm Hành chính Quốc gia đặt ở vị trí Chân núi Ba Vì, thì “trọng tâm” của Thủ Đô sẽ phát triển thiên lệch về phía Tây, xa dần trục phát triển kinh tế trọng điểm của phía Bắc là Hà Nội – Hải Dương – Hải Phòng – Quảng Ninh. Hơn nữa, xu thế của thế giới và thời đại là phát triển “hướng ra biển” chứ đâu phải là chuyển dịch về phía núi như ta!…