Cải thiện thu gom rác thải ở Thủ đô

ThienNhien.Net – Mô hình thu gom rác trực tiếp và có trạm trung chuyển là một trong những đề xuất đáng chú ý tại Hội thảo các giải pháp tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường đô thị hướng tới 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, diễn ra ngày 13/04 do Hội Xây dựng Hà Nội tổ chức.


Phương pháp truyền thống đã lạc hậu

Giám đốc Kỹ thuật môi trường Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị Phạm Văn Đức đã chỉ ra những nhược điểm của phương pháp thu gom rác truyền thống là chi phí vận chuyển lớn, thời gian thu gom giữa các chuyến kéo dài, nguy cơ ách tắc và mất an toàn giao thông cao.

Một mô hình thu gom vận chuyển được cho là khả thi đã được Công ty này đề xuất là thu gom trực tiếp và có trạm trung chuyển. Theo đó, rác thải được lưu chứa tại các hộ gia đình bằng túi nilon và được tập kết theo thời gian, tại các điểm nhất định trên tuyến phố, trong ngõ xóm vẫn sử dụng xe gom thu theo phương pháp truyền thống.

Xe vận chuyển tuyến 1 (3,5 – 7 tấn) sẽ chạy dọc tuyến và thu gom thẳng lên xe, đến các trạm trung chuyển phù hợp, sau trung chuyển các xe tuyến 2 với trọng tải 30 – 35 tấn sẽ vận chuyển rác đến khu xử lý.

Các trạm trung chuyển công suất 1.000 tấn/ ngày sẽ được bố trí phía Tây Bắc (Đông Anh), phía Dông (Lâm Du, Bắc Ninh), các khu vực từ vành đai 3 trở ra sẽ vận chuyển thẳng bằng các xe có trọng tải trên 10 tấn.

Theo ông Phạm Văn Đức, phương pháp này có ưu điểm giảm thời gian rác tồn lưu trên đường phố, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, giảm chi phí thu gom vận chuyển, giảm lượng xe gom đẩy tay, phù hợp với sự phát triển của đô thị văn minh.

Cũng theo ông Đức, 4 quận trung tâm Hà Nội rất cần đầu tư xây dựng 2 trạm trung chuyển rác thải. Việc thu gom, vận chuyển hợp lý và khoa học là yếu tố quyết định đến chất lượng môi trường thành phố.

Thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp

Theo phòng Cảnh sát môi trường, Công an Thành phố Hà Nội, hàng ngày lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trong nội thị khoảng 3.000 tấn, phế thải xây dựng 1.000 tấn, cùng hàng vạn khối nước thải công nghiệp và sinh hoạt.

Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển chất thải còn nhiều hạn chế, lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý chỉ đạt 80% trong tổng lượng chất thải sinh hoạt của toàn thành phố, chất thải nguy hại chỉ đạt 20%.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số doanh nghiệp tư nhân vận chuyển chất thải không có phép, phương tiện tự gia công chế tạo để rò rỉ ra đường phố, thậm chí xả chất thải xuống ao, hồ… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các cơ quan trong lĩnh vực vệ sinh môi trường đã đưa ra 8 nhóm giải pháp để giải quyết đồng bộ vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.

Trong đó, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường tại các điểm giáp ranh, tổ chức lực lượng cơ động ứng trực giải quyết các sự cố gây mất vệ sinh môi trường, đầu tư 1 – 2 trạm trung chuyển rác cho 4 quận trung tâm Hà Nội… là các nhóm giải pháp có tính khả thi cao.

Với các công trình xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng cũng đề xuất, trước khi được cấp giấy phép xây dựng, các chủ đầu tư phải có hợp đồng vận chuyển phế thải rắn, có biện pháp phá dỡ được phê duyệt và biện pháp phòng chống bụi, bố trí cầu rửa xe, hệ thống thu gom nước thải.