Phát hiện loài lan mới ở VQG Xuân Sơn

ThienNhien.Net – Trong quá trình khảo sát thực địa gần 2 năm qua về hệ thực vật và thảm thực vật Việt Nam theo chương trình khám phá thực vật của Hiệp hội National Geographic Hoa Kỳ và Quỹ Henry Luce, nhiều loài lan lạ đã được đặt tên và <i>Hayata glandulifera</i> là một trong số những phát hiện thú vị nhất.


Loài lan lạ này được tìm thấy trong một hẻm núi thấp ở Vườn quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ, cận vùng Tây Nam của dãy Hoàng Liên Sơn, trên lưu vực sông Hồng. Đây là loài điển hình của hệ thực vật núi đá vôi rất nguy cấp trên vùng đất thấp và là đại biểu đặc hữu địa phương.

Loài Hayata glandulifera có đặc điểm là thân rễ không lá; thân mang hoa mọc thẳng hoặc hướng lên, dày, mọng đến 20 cm, với 2-6 lá ở gốc; ở phần trên có 2-4 lá mỏng sáng, rộng màu xanh lá cây đến hơi trắng, hình nêm, lá bắc nhọn khô; chồi nhẵn ở gốc, có nhiều lông ở trên. Hoa hình chuông, cánh hoa chéo góc với bầu, lộn ngược, không cuống, lá đài rời.

Loài được phát hiện thực sự có quan hệ gần gũi với các chi Cheirostylis, Goodyera, RhombodaZeuxine đã được tìm thấy ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, nhưng nó không phù hợp với khóa phân loại các chi này.

Do đó, dựa trên các đặc điểm hình thái, các nhà khoa học đã xếp loài lan này vào một chi mới – Hayata. Chi này được đặt tên để vinh danh nhà thực vật học nổi tiếng Nhật Bản, Giáo sư của Đại học Hoàng gia Tokyo – Bunzō Hayata, người phát hiện được loài Hayata tabiyahanensis (loài chuẩn cho chi mới này), cũng là người đầu tiên ghi nhận vị trí của chi này.