ThienNhien.Net – Câu hỏi tưởng chừng rất dễ trả lời, bởi chỉ cần tra "Google" là bạn sẽ có ngay con số. Vậy mà nó đã trở thành cuộc tranh cãi dai dẳng giữa hai quốc gia láng giềng Nê-pan và Trung Quốc. Mãi tới gần đây, câu chuyện về chiều cao đỉnh Everest mới ngã ngũ.
Cuối cùng thì Nê-pan và Trung Quốc cũng đã hài lòng với hai con số 8.848m và 8.844m (so với mực nước biển).
Thực ra sự bất đồng giữa hai quốc gia xuất phát từ cách hiểu hơn là dựa trên kết quả đo đạc, tính toán. Phía Trung Quốc tranh luận rằng đỉnh Everest phải được tính dựa trên chiều cao của đá, còn Nê-pan thì nhất quyết phải tính theo chiều cao của đỉnh tuyết, có nghĩa cao hơn đá 4m. Sau hồi lâu bất phân thắng bại, có lẽ cả hai cũng đã đủ mệt mỏi và cùng bằng lòng với cả hai cách tính và hai con số.
Kể từ chuyến chinh phục đầu tiên của Sherpa Tenzing Norgay và Edmund Hillary người New Zealand năm 1953 đến nay đã có hàng ngàn lượt người chạm đỉnh Everest. Cuộc đo đạc đầu tiên do Ấn Độ tiến hành năm 1955 cũng đã kết luận, đỉnh núi (bao gồm cả phần tuyết phủ) cao 8.848m so với mực nước biển. Kết quả này đã được sử dụng ở nhiều nơi, song người ta vẫn tiếp tục bàn luận về con số tuyệt đối về đỉnh cao Everest.
Các nhà khoa học nói gì?
Năm 1999, nhờ hệ thống định vị toàn cầu, các nhà khoa học Mỹ đã đo được Everest 8.850m chiều cao đỉnh đá và 8.851m chiều cao kể cả chóp băng. Số liệu này được Hiệp hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ sử dụng chính thức, song bị cả Nê-pan lẫn Trung Quốc gạt bỏ, không thừa nhận
Bàn về các con số mà Nê-pan và Trung Quốc vừa đi đến thống nhất, các nhà nghiên cứu địa lý cho rằng cả hai con số này đều có thể sai. Hiện tại, đỉnh Everest vẫn không ngừng cao lên trong quá trình các mảng lục địa di chuyển và chồng lấn vào nhau, với mức nâng lên khoảng 2mm/năm. Bên cạnh đó, mực nước biển cũng không ngừng nâng cao. Không thể loại trừ, giữa hai con số dao động đó có sự bù đắp lẫn nhau.
Báo chí quốc tế đưa tin nhiều về cuộc tranh cãi để rồi đi đến thống nhất các con số giữa Nê-pan và Trung Quốc, nhưng có một câu hỏi đơn giản: Mục tiêu của cuộc tranh cãi ấy là gì? – chưa có câu trả lời.
Đỉnh Everest là một phần của dãy Himalaya – nơi có đường biên giới Nê-pan và Trung Quốc. Theo tiếng Nê-pan, ngọn núi được đặt tên SagarmathaIn, nghĩa là trán trời, còn ngôn ngữ Tây Tạng (Trung Quốc) gọi là Chomolungma, nghĩa là đỉnh núi đỉnh núi của thánh mẫu. Năm 1841m, núi được đặt tên Everest, theo tên của Ngài George Everest, một nhà khảo sát địa lý Anh thế kỷ 19.