Củ Chi: Sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGap

ThienNhien.Net – “Trồng rau ăn lá an toàn theo chuẩn VietGap” đang là mô hình sản xuất mà người dân các huyện ngoại thành TP. Hồ Chí Minh nói chung, và nông dân hai xã Thái Mỹ, Tân Thông Hội (Củ Chi) nói riêng đang triển khai với qui mô rộng, đã và đang cho thu hoạch với kết quả khả quan. Đây cũng là hai xã điểm được chọn để thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, dân chủ hóa, hợp tác hóa chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp 2006 – 2010 của thành phố.


Với xu thế hội nhập hiện nay, để được ổn định về giá cả sản phẩm nông nghiệp cũng như ổn định thu nhập từ cây rau, thì sản phẩm rau sạch phải đạt chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, sản xuất rau theo chuẩn VietGap là điều kiện bắt buộc nếu như sản phẩm muốn tồn tại trên thị trường.

Với yêu cầu trên, Trạm Khuyến nông Củ Chi đã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn (dưa leo, khổ qua, bí xanh) theo tiêu chuẩn VietGap để đáp ứng đúng nhu cầu thị trường của địa phương hiện nay.

Mặc dù tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh, diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp, nhưng màu xanh của rau màu vẫn không ngừng mở rộng. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của các cán bộ khuyến nông trạm, cùng sự học hỏi, chịu thương chịu khó trên đồng ruộng của bà con từ khâu xuống giống, chăm sóc, bón phân, tưới nước…nên kết quả thu được khá tốt. Trung bình sau 35 – 40 ngày sau khi gieo là có thể thu hoạch.

Với thời gian thực hiện 4 tháng từ tháng 10/2009 đến 02/2010, năng suất rau các loại đạt trung bình 25 tấn/ha, lời từ 1,953 – 2.146 đ/kg/sản phẩm (tùy thị trường tiêu thụ). Vì vậy, sản xuất rau an toàn theo VietGap không những tạo thói quen, ý thức tốt trong sản xuất cho lao động nông thôn mà còn nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Bà con cho biết, họ rất tâm đắc với mô hình trồng rau an toàn này , rau bán được giá, sâu bệnh không đáng kể do biết cách phòng trừ, vòng quay nhanh.

Tuy nhiên, bà con mong muốn các ban ngành giúp đỡ tìm được đối tác tiêu thụ sản phẩm lâu dài để nông sản đến tay người tiêu dùng với giá thành rẻ nhất. Trong tương lai cần phải hình thành tổ hợp tác sản xuất trong canh tác rau để dễ dàng hỗ trợ nhau về kỹ thuật sản xuất, cũng như tiếp cận nhanh những tiến bộ kỹ thuật, tạo sản phẩm ổn định, có thị trường tiêu thụ tốt.