ThienNhien.Net – Là một trong 11 xã trên toàn quốc được Ban Bí thư Trung ương Đảng lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đang thay da, đổi thịt từng ngày; thể hiện rõ nhất ở các dự án, các công trình về giao thông, thủy lợi, trạm cung cấp nước sạch, trung tâm học tập cộng đồng đã và đang được hoàn thiện…
Từ tháng 10/2009, Đề án Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại xã Thanh Chăn chính thức được phê duyệt và đi vào thực hiện. Cũng từ đó, tỉnh Điện Biên luôn xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, không chỉ có ý nghĩa đối với Điện Biên mà còn là mô hình điểm cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Chiều 11/4, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và Đoàn công tác của Chính phủ đã tới thăm xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, điểm về xây dựng mô hình nông thôn mới.
Ông Cà Văn Pánh, Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn, Trưởng Ban Quản lý Đề án, cho biết, bên cạnh những mặt thuận lợi, việc triển khai Đề án xây dựng mô hình nông thôn mới xã Thanh Chăn cũng gặp một số khó khăn như Thanh Chăn là một xã miền núi biên giới, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Một số nội dung của Đề án khi triển khai liên quan tới việc việc huy động vốn trong dân còn rất hạn chế.
Ngoài ra, đây là một mô hình mới, nên kinh nghiệm tổ chức, điều hành thực hiện đề án còn lúng túng. Vì vậy, UBND xã Thanh Chăn đã đề nghị, lãnh đạo tỉnh Điện Biên sớm thực hiện công tác đào tạo, tập huấn cán bộ, nhất là cán bộ thực hiện công tác quản lý trong triển khai thực hiện Đề án.
|
Ông Cà Văn Pánh cho biết thêm, trong năm 2010, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng về giao thông, thủy lợi, tram y tế, trường học, Thanh Chăn sẽ triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ người dân trong xã nhất là những hộ nghèo nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Sau 1 năm thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới ở xã Thanh Chăn, lãnh đạo địa phương đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó đặc biệt lưu ý cần đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa để cán bộ đảng viên và nhân dân hiểu rõ, có sự đồng thuận cao. Từ đó mới huy động được người dân tham gia một cách chủ động.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ xã đến các thôn, bản; phải dân chủ, công khai, minh bạch để việc xây dựng các công trình nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, của cộng đồng. Quá trình tổ chức thực hiện cũng nên bố trí sử dụng nguồn lao động tại địa phương.