ThienNhien.Net – Một vài cơn mưa phùn trong những ngày vừa qua không đủ sức xoa dịu cơn khát kéo dài tại nhiều địa phương trên cả nước, khiến các cánh đồng tiếp tục khô hạn, các con sông trơ cát sỏi và các khu rừng tăng mối nguy bị cháy…
Hiện cả ba miền đang phải gồng mình ứng phó với “giặc” hạn, trong đó tại miền Bắc, các hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đều thiếu hụt gần 2.000 tỷ m3 nước so với cùng kỳ các năm.
Ở Tây Nguyên và Nam Bộ, từ đầu tháng 2 đến nay, dòng chảy trên các sông cũng giảm dần. Đặc biệt tại ĐBSCL, do dòng chảy trên sông Mê Kông giảm nhanh và luôn ở mức thấp nên tình trạng xâm mặn xuất hiện sớm hơn 1 tháng so với cùng kỳ, gây thiệt hại lớn cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của người dân.
Khô hạn cũng đồng nghĩa với việc thiếu điện và làm tăng nguy cơ cháy rừng. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cảnh báo, việc đảm bảo đủ điện trong những tháng mùa khô từ tháng 4 đến tháng 6 khá căng thẳng và lượng thiếu hụt có thể lên tới 600 triệu kWh, do vậy sẽ phải khống chế mức tiêu thụ điện.
Nguy cơ cháy rừng cũng đang ở mức báo động cực kỳ nguy hiểm, trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra 2-3 vụ cháy rừng lớn, nhỏ. Công tác trồng rừng cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, trong 3 tháng đầu năm, cả nước chỉ mới trồng được 587 ha rừng, nhưng số rừng bị thiệt hại do cháy và chặt phá lên đến 2.247 ha.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm, tình trạng khô hạn sẽ còn tiếp diễn trên phạm vi rộng, lượng mưa toàn mùa phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình năm.