Tác động chưa được biết tới của Chiến tranh Lạnh

ThienNhien.Net – Chiến tranh Lạnh đã chia rẽ người dân châu Âu suốt gần nửa thế kỷ. Song hóa ra con người không phải là loài duy nhất chịu ảnh hưởng của cuộc chiến ấy. Một nghiên cứu gần đây cho biết sự phong tỏa thương mại trong Chiến tranh Lạnh đã khiến số lượng và chủng loài chim ngoại lai xuất hiện ở Tây và Đông Âu khác xa nhau.


Sau Thế chiến thứ II, sự bất đồng về chính trị đã chia cắt Tây Âu và Hoa Kỳ khỏi các nước Đông Âu và Liên Xô. Các nước Tây Âu nhanh chóng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với khu vực Bắc Mỹ và Châu Phi, trong khi đó Đông Âu hầu như tách biệt khỏi thương mại toàn cầu.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Biological Conservation số tháng 2/2010, các nhà nghiên cứu cho rằng, chính sự khác biệt này đã tác động sâu sắc đến các loài chim ngoại lai ở hai khu vực.

Dữ liệu được thu thập từ các báo cáo ghi nhận loài mới hơn 150 năm qua cho thấy, trong thời kì chiến tranh lạnh, có tới 96 loài chim mới được phát hiện ở Tây Âu, trong khi ở Đông Âu con số này chỉ là 24.

Giao dịch thương mại toàn cầu và sự lưu thông tương đối tự do ở Tây Âu đã góp phần tạo nên sự khác biệt này. Đúng như Susan Shirley, một nhà sinh thái học về động vật hoang dã tại Đại học bang Oregon, Mỹ nhận định: “Thương mại là một yếu tố quan trọng trong sự di chuyển và tạo nên các loài ngoại lai trên khắp thế giới.”

Cách thức Chiến tranh Lạnh phân chia thế giới cũng tác động đến chủng loại loài chim ngoại lai được ghi nhận. Chẳng hạn, các loài chim Bắc Mỹ được ghi nhận gia tăng ở Tây Âu trong khoảng giữa các năm 1945 và 1989, nhưng tỷ lệ này lại không nhiều ở Đông Âu. Cùng lúc đó, người dân từ các thuộc địa cũ của Pháp và Anh di cư đến Tây Âu cũng đưa vào 23 loài chim Châu Phi.

Trong khi mối khi liên hệ giữa Tây Âu, Châu Mỹ và Châu Phi ngày càng mở rộng, giao dịch thương mại phía bên kia Bức màn sắt lại hết sức hắt hiu. Một số ít các loài ngoại lai xâm nhập vào Đông Âu trong thời kì Chiến tranh Lạnh có xu hướng đến từ các khu vực khác nhau của Đông Âu hoặc châu Á.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991, các sự kiện ghi nhận loài ngoại lai cũng “rôm rả” hơn. Các báo cáo giai đoạn 1989-2000 cho thấy có hơn 600 loài ngoại lai ở Đông và Tây Âu được ghi nhận, so với gần 900 loài được phát hiện trong suốt 40 năm Chiến tranh Lạnh.

Sự gia tăng về giao dịch thương mại và di cư qua Bức màn Sắt, cùng với sự phát triển ngày một thịnh vượng của khu vực Đông Âu khiến cho vấn đề sinh vật ngoại lai trở nên phức tạp hơn. “Chúng tăng theo cấp số nhân, không chỉ đối với các loài chim, mà cả các nhóm khác như thực vật, động vật có vú, côn trùng và cá” – Đội trưởng nhóm nghiên cứu, ông Francois Chiron thuộc Đại học Hebrew của Jerusalem, cho biết.

Theo Diederik Strubbe, một nhà sinh thái học tại Đại học Antwerp của Bỉ, những phát hiện này không đơn thuần chỉ là “sự tò mò” về lịch sử. Bởi lẽ các nhà sinh thái lâu nay đã giải thích sự thành công của các loài ngoại lai ở môi trường sống mới dựa trên thuộc tính vốn có của chúng, như sự hung hăng hay khả năng sinh sản nhanh, hoặc các yếu tố môi trường. Phát hiện mới cho thấy có nhiều yếu tố hơn thế ảnh hưởng đến quá trình này.