Điều chỉnh phân chậm lũ hệ thống sông Hồng

ThienNhien.Net – Không sử dụng các công trình phân lũ, chậm lũ như một biện pháp trong phòng, chống lũ cho đồng bằng sông Hồng khi hồ Sơn La tham gia điều tiết cắt giảm lũ cho hạ lưu. Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với việc điều chỉnh nhiệm vụ phân lũ, chậm lũ hệ thống sông Hồng bảo vệ an toàn cho thủ đô Hà Nội.


Về vấn đề này, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình thực hiện các nhiệm vụ, dự án phục vụ cho việc bỏ các vùng phân lũ, chậm lũ theo quy hoạch được phê duyệt.

Trong Quý II/2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đưa ra dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 62/1999/NĐ-CP ngày 31/07/1999 ban hành Quy chế về phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng, để bảo vệ an toàn cho thủ đô Hà Nội theo tiêu chuẩn phòng lũ có tần suất P=0,2% (500 năm xuất hiện một lần), đồng thời có tính đến các phương án dự phòng khi lũ xuất hiện ngoài sự tính toán.

Tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương

Theo đánh giá của Bộ Xây Dựng, chủ trương không sử dụng các công trình phân chậm lũ như một biện pháp trong phòng, chống lũ cho đồng bằng sông Hồng kể từ khi hồ thủy điện Sơn La chính thức tham gia điều tiết cắt lũ cho hạ du sẽ đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường trong khu vực.

Thực tế, sông Hồng, sông Đáy là những con sông đi qua địa bàn 5 tỉnh nêu trên có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho một khu vực rộng lớn và tiêu thoát nước về mùa mưa lũ. Cũng chính vì chức năng thoát lũ nên đã ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế của một số địa phương. Bởi theo quy định, vùng phân lũ, chậm lũ sẽ hạn chế đầu tư xây dựng, đến thời điểm phân lũ không tránh khỏi một số nơi bị ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp,…

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Thuỷ lợi thì hiện chúng ta có khả năng bỏ các vùng phân lũ. Bởi nếu nâng cao tối đa hiệu quả điều tiết phòng lũ của các hồ chứa thượng nguồn trong giai đoạn vận hành thì ngay cả khi xảy ra lũ với chu kỳ 500 năm hoặc lớn hơn vẫn đủ sức điều tiết để hạ thấp mực nước tại Hà Nội và bảo đảm xả lũ an toàn cho công trình.

Theo tính toán, sức chứa phòng lũ của các hồ trên sông Đà (Hoà Bình – Sơn La) đã có 7 tỷ mét khối, chưa kể hồ chứa Thác Bà được 0,45 tỷ mét khối; hồ Tuyên Quang 1 tỷ mét khối… Đặc biệt, về mùa lũ dung tích bỏ trống của các hồ chứa nói trên đều rất lớn.