Tín hiệu khả quan từ việc xử lý ô nhiễm hồ Hà Nội

ThienNhien.Net – Chiều 30/3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã đi kiểm tra 4 trong số 7 hồ sau 6 tháng áp dụng thí điểm các công nghệ xử lý nguồn nước. Kết quả ban đầu thu được khá khả quan khi thực trạng ô nhiễm đã giảm đáng kể tại 4 hồ Hai Bà Trưng, hồ Quỳnh, hồ Kim Liên và hồ Xã Đàn. Màu nước đã trong xanh trở lại, không mùi và không màu như trước.


Tại hồ Hai Bà Trưng, với thuận lợi là hồ tích thủy hoàn toàn, lượng nước thải chảy vào ít nên sau khi được tăng cường các mảng cây thủy sinh, nước hồ đã trong sạch đáng kể. Các mảng rễ cây phía dưới đang là nơi trú ngụ lý tưởng cho các động vật phù du ăn tảo, khiến cho nước hồ trong xanh hơn và không còn mùi hôi khó chịu. Các hàm lượng BOD, COD và chất độc hại cũng giảm nhiều.

Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh yêu cầu phải tăng cường diện tích các bè mảng thủy sinh cũng như trồng thêm nhiều chủng loại khác nhau để tạo cảnh quan đẹp, sinh động cho mặt hồ. Ngoài ra, quận Hai Bà Trưng cần tích cực tuyên truyền, thậm chí khoán trách nhiệm để người dân sống quanh hồ tiếp tục nâng cao ý thức, không xả rác trực tiếp xuống hồ.

Tại khu vực hồ Quỳnh, ông Nguyễn Phú Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần xanh, đơn vị được lựa chọn để áp dụng thí điểm công nghệ xử lý nước hồ cho biết, chất lượng nước đã được cải thiện rõ rệt. Với diện tích 0,8 ha, trong khi lượng nước thải khu vực xung quanh chảy vào lên tới 2.000- 3.000m3/ngày thì cứ sau khoảng 4-5 ngày, hồ lại được thay nước một lần. Trong 6 tháng trở lại đây, do không có mưa nên toàn bộ nước hồ là lượng nước thải.

Trước thời điểm được xử lý, nước hồ Xã Đàn ô nhiễm tới mức bốc lên mùi hôi thối nồng nặc, người dân sống ở khu vực xung quanh phải chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo bà Trần Kim Thanh, phó giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, sau khi được xử lý 1 tháng đã giảm thiểu được tới 50% các thông số ô nhiễm môi trường. Hiện nay, mặt nước hồ liên tục được giám sát để bổ sung các vi sinh vật, khoáng chất giúp duy trì hiệu quả lâu dài công nghệ đang áp dụng.

Riêng với hồ Kim Liên, do tiến độ triển khai chậm hơn do thiết bị xử lý và chế phẩm sinh học phải nhập khẩu, lượng nước thải sinh hoạt trong mùa khô lớn (trung bình 15.000m3/ngày), nên chất lượng nước hồ chưa được cải thiện nhiều nhưng đến nay nước đã chuyển từ màu đen đặc sang màu xanh lục, ít mùi hôi…

Đánh giá về kết quả đạt được sau 6 tháng áp dụng thí điểm các phương pháp xử lý ô nhiễm tại các hồ này, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết, về cảm quan, màu và mùi của nước đã cải thiện nhiều. Các chỉ số BOD, COD, ni-tơ, phốt-pho… đều giảm theo yêu cầu. Quan điểm của UBND TP là tiếp tục theo dõi sát sao, cẩn trọng với từng biến đổi của nước hồ vì đây chỉ là các phương pháp áp dụng thí điểm.

Trong tuần tới, Hội đồng khoa học của thành phố sẽ họp, công bố toàn bộ chỉ số các hồ được áp dụng thí điểm, chọn ra công nghệ, các đơn vị tổ chức ứng dụng hiệu quả nhất để triển khai rộng rãi đối với toàn bộ các hồ nội thành. Về lâu dài, thành phố sẽ bàn giao cho các đơn vị chủ quản để duy trì những hiệu quả đã đạt được.

“Giữ gìn mặt nước hồ trong xanh, sạch đẹp là công việc của cơ quan quản lý nhà nước và toàn bộ cộng đồng dân cư. Cả xã hội phải chung tay, chung sức thì mới phát huy được hiệu quả lâu dài” – Phó Chủ tịch nhấn mạnh.