ThienNhien.Net – Sau những ngày điều tra dọc ngang Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kim Hỷ, thấy người ta cấp phép vùng lõi khu rừng đặc dụng này để doanh nghiệp đào vàng ròng rã mấy năm trời bất chấp sự phản đối của bà con xã nhà, thấy người ta ngang nhiên kéo nhau “rồng rắn” triệt hạ rừng nghiến cổ thụ như ở chốn… không người, chúng tôi buộc phải đặt câu hỏi xót xa về ngày bị tận diệt của các cánh rừng giàu có bậc nhất tỉnh Bắc Kạn kia.
Ngày hôm qua, 29/03/2010, trao đổi với nhóm chúng tôi, ông Nông Xuân Lanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm của Khu BTTN Kim Hỷ thừa nhận: “Rừng vẫn bị phá, dù sau những nỗ lực của cơ quan chức năng, tình trạng có thuyên giảm chút ít”.
Ông Lanh và nhiều cán bộ cơ sở vẫn ca đoạn điệp khúc mà chúng tôi nghe đã gần thuộc lòng trước khi vào rừng, rằng “Rừng của Khu BTTN toàn núi đá cao, đi lại rất khó khăn, chỗ nào cũng là nơi ẩn nấp của lâm tặc cả. Vả lại, phá rừng chủ yếu là người địa phương, họ có đội quân canh gác rất tinh vi, mình vừa ra khỏi trạm, chúng đã “báo động” qua điện thoại di động bỏ trốn hết cả.
Khu BTTN Kim Hỷ rộng tới 14.772ha, trải khắp 7 xã của 2 huyện Ngân Sơn và Na Rì, hạt chúng tôi lại còn phải phụ trách thêm cả 10.000ha rừng của 5 xã của huyện Na Rì nữa, tổng số là 25.000ha! Trong khi đó, toàn bộ lực lượng của chúng tôi, trừ kế toán, thủ quỹ và lãnh đạo… đi, chỉ còn có 18 người…Chúng tôi quá vất vả, phải có liên ngành cùng tham gia thì mới giữ được rừng. Chứ riêng cán bộ kiểm lâm thì… vất vả lắm, đường xa, toàn núi đá”.
Phải nói, ông Lanh là người khá thẳng thắn, ông sẵn sàng thừa nhận có khả năng chính trong lực lượng kiểm lâm có người “phím” cho lâm tặc bỏ chạy ngay từ khi xuất quân: “Việc này chúng tôi chưa bắt được “tận tay”. Nhưng nhiều dư luận bà con nói như vậy. Chúng tôi về cũng chấn chỉnh anh em của mình là không nên làm như thế!”.
Trước đó, các thông tin từ lãnh đạo xã, huyện và bà con đều cho thấy cơ quan chức năng đã quá bê trễ, quá thiếu trách nhiệm trong bảo vệ rừng. Chủ tịch UBND xã Côn Minh (xã “nóng” nhất về tình trạng phá rừng Khu BTTN Kim Hỷ), bà Triệu Thị Len, bức xúc phê phán kiểm lâm địa bàn hoạt động không hiệu quả, “cả năm trời không tham mưu xây dựng với xã một kế hoạch bảo vệ rừng nào cả”.
Còn ông Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì từng thẳng đuột nói với báo chí: huyện có ít nhất 600 cái cưa máy, trong đó, riêng xã Ân Tình (nơi chỉ cách đó ít giờ chúng tôi đã lội rừng chứng kiến cảnh rừng bị “bỏ rơi”, bị tàn sát hãi hùng và lũ người vi phạm bỏ chạy tháo thân như thế nào) đã có tới 60 cái cưa máy “thường xuyên hoạt động trong khu bảo tồn”.
Trước đó, trên Báo Nhân Dân, một tác giả còn viết rất cụ thể, chỉ trích ông Oanh, Giám đốc Khu BTTN Kim Hỷ rằng “phó mặc rừng bị tàn sát thê lương cho vài anh kiểm lâm đi giữ, ông này chỉ ở ngoài thị xã Bắc Kạn” (rất xa Khu Bảo tồn), mỗi tháng chỉ vào trụ sở ở xã Lạng San giao ban… một lần”.
Quả thật, ngày hôm qua, 29/03/2010, khi chúng tôi liên hệ số di động của ông Oanh được bà vợ xác nhận ông đang nằm ngoài bệnh viện tỉnh, điều trị bệnh huyết áp, do… uống nhiều rượu.
Vì tâm huyết với rừng, nhiều cán bộ địa phương đã xót xa tính đến việc chi phí hàng trăm triệu đồng cho các chiến dịch ra quân giữ rừng bảo tồn mà không hiệu quả chút nào.
Rừng không được bảo vệ, trong khi đó, lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng thì cứ ngồi im mà nại khó, nại khổ, rừng bị phá trắng diện rộng… mà vẫn không ai việc gì cả. Liệu chúng ta có nên đặt câu hỏi: tỉnh Bắc Kạn có thật sự muốn giữ gìn kho tài nguyên rừng quý báu Kim Hỷ hay không?
Liệu có nên xem lại vai trò, vị trí và cung cách hoạt động của Ban Giám đốc và lực lượng chuyên môn của Khu BTTN Kim Hỷ hay không? Nếu cứ “ra quân”, cứ ăn lương nhà nước mà không giữ được rừng bảo tồn, thì có nên giải tán chính tổ chức của những người giữ rừng trong khu rừng xứng đáng được bảo vệ nghiêm ngặt kia không? Nếu có sự tiếp tay (và dung túng, trục lợi) của cán bộ kiểm lâm cho lâm tặc, thì người đó là ai, làm thế nào? Lẽ nào không thể điều tra làm rõ?
Tại xã Côn Minh, huyện Na Rì (thuộc vào vùng lõi của Khu BTTN kể trên), có ông Bí thư chi bộ, trưởng thôn Lủng Pảng tên là Hoàng Đức Toàn đã viết đơn từ chức vì hầu hết dân bản, kể cả con trai ông đều nhất tề xông vào vùng lõi khu bảo tồn để chặt hạ rừng mà ông không tài nào ngăn cản.
Nhiều người cho rằng, nếu tỉnh Bắc Kạn cứ để cho “lòng dân” không còn tin tưởng chút nào vào lực lượng giữ rừng bảo tồn như thế, rừng sẽ còn bị quần nát cho đến khi… hết gỗ, hết muông thú, hết cả những đỉnh non cao chứa đầy quặng vàng (việc cấp phép đào vàng “giết chết” vùng lõi rừng bảo tồn Kim Kỷ, chúng tôi sẽ trở lại trong một dịp khác)!
Rõ ràng, mọi sự “khó khăn”, “không hiệu quả” kể trên, đều được đổi bằng mạng sống của các khu rừng nghiến cổ thụ, cây rừng hàng trăm năm qua đã gặn chắt từ sự khắc nghiệt của núi đá vôi vòi vọi để gây dựng cho chúng ta một bảo tàng đa dạng sinh học giàu có bậc nhất miền Đông Bắc Việt Nam.
Vì lẽ đó, tỉnh Bắc Kạn đã long trọng cho thành lập một Khu BTTN rộng nhiều nghìn héc-ta, với lực lượng quản lý bảo vệ chuyên nghiệp, được trang bị khá tối tân từ công cụ hỗ trợ đến hành lang pháp lý. Song, lối quản lý nửa vời, “cha chung không ai khóc” như hiện nay, đã thực sự biến rừng nghiến cổ thụ của Khu BTTN này đứng trước nguy cơ xoá sổ hoàn toàn.
Lúc ấy, cán bộ địa phương lại tiếp tục ca bài ca đã cũ…Nhưng than ôi, chúng tôi ngồi ở xã Ân Tình, chứng kiến người ta chặt gỗ, vác gỗ nghiến đi bán với giá gần 300.000 đồng một khoanh (dày 17cm), ai cũng phải công nhận, nói không bắt được “lâm tặc” là nói dối. Vấn đề còn lại chỉ là: đằng sau lời nói dối đó, là cái gì?
Nạn khai thác vàng và gỗ nghiến đang “xé xác” Khu BTTN Kim Hỷ