ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Science, việc sử dụng quá nhiều phân bón amoni tại Trung Quốc khiến đất trồng trọt nơi đây bị axit hóa nghiêm trọng, cao tới hơn 100 lần so với mưa axit thông thường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học mà còn dẫn đến sự gia tăng đáng kể các khí phát thải nhà kính có hại, khí CO2 và NO2. Mặt khác, một lượng lớn khí Nitơ cũng sẽ được giải phóng khi sử dụng phân bón amoni, góp phần gia tăng cơn mưa axit có hại cho cây trồng. Hiện các nhà khoa học đến từ Viện Rothamsted (Anh) đang cộng tác với các nhà nghiên cứu của Trung Quốc để tìm cách tối ưu hóa năng suất cây trồng với đầu vào giảm lượng phân bón, nhằm ngăn chặn thiệt hại môi trường.
Trong một nỗ lực để đáp ứng nhu cầu lương thực của dân số ngày càng tăng, Trung Quốc đã sử dụng các loại phân bón hóa học để tăng năng suất cây trồng. Khoảng 1/3 lượng phân bón chứa Nitơ cho toàn thế giới đã được sản xuất và sử dụng tại đây, tuy nhiên, chính điều này lại khiến đất trồng trọt ở Trung Quốc bị axit hóa trầm trọng.
Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Roshamsted và Giáo sư Keith Goulding cho rằng Nitơ là khoáng chất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp tại nhiều quốc gia, nhưng cho dù là phân bón hóa học, phân xanh hay chất cố định từ cây họ đậu thì liều lượng cũng phải phù hợp với “nhu cầu” từng loại cây trồng. Nếu không, dư lượng của chúng sẽ thấm thấu vào không khí và nguồn nước, gây ra những tác hại lâu dài, và đôi khi khó lường. Để ngăn chặn những tác hại đó, các nhà nghiên cứu cho biết, có thể phải dùng từ 3 – 4 tấn vôi bột hàng năm cho mỗi hecta đất và 30-40 tấn cho các hệ thống sản xuất nhà kính quy mô lớn tại Trung Quốc.
Trung Quốc và Anh cam kết đạt được một nền kinh tế Các-bon thấp và giảm các tác động có hại của sản xuất nông nghiệp đến môi trường, nhưng điều này cần phải cân bằng với việc đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt là trước tình hình dân số ngày càng gia tăng. Nhiều bằng chứng cho thấy, có thể cắt giảm 30% lượng phân bón Ni-tơ mà không gây thiệt hại cho việc sản xuất vụ mùa. Để làm được điều này, Giáo sư Goulding và Giáo sư David Powlson (Viện Rothamsted Research) đã cộng tác với các đồng nghiệp Trung Quốc trong việc thúc đẩy việc kiểm soát lượng khí Ni-tơ. Kết quả của sự cộng tác là họ đã đưa ra được bản Khuyến nghị đầu tiên về việc sản xuất phân bón tại Trung Quốc (The first Chinese National Fertilizer Recommendations). Bản khuyến nghị này dựa trên Khuyến cáo sử dụng (The Defra-backed) của những người trồng ở Anh (còn được gọi chung là ‘RB209’), do Trường Đại học nông nghiệp Trung Quốc tại Bắc Kinh thực hiện.
Giáo sư Powlson cho rằng, tác động của việc sử dụng quá nhiều phân bón Ni-tơ đối với phát thải khí nhà kính thường bị bỏ qua. Trong khi đó, khí gây phát thải khí nhà kính thường được phát sinh từ lượng khí CO2 sinh ra khi sản xuất phân bón và lượng N2O – một khí nhà kính khá mạnh sinh ra khi phân bón Ni-tơ được sử dụng trong trồng trọt. Nghiên cứu của Giáo sư Powlson và các cộng sự đã cho thấy, trong nhiều trường hợp sử dụng, việc cắt giảm 30% lượng khí Ni-tơ không hề có bất cứ đe dọa nào đối với vấn đề an ninh lương thực tại Trung Quốc, thậm chí có thể làm giảm đáng kể lượng khí nhà kính mà nước này đang phát thải.
Có thể nói, tránh lạm dụng phân bón Ni-tơ là một mũi tên bắn trúng nhiều đích: vừa tiết kiệm tiền cho nông dân, vừa giảm ô nhiễm nguồn nước, giảm phát thải khí nhà kính và vừa giảm “gánh nặng” axit hóa lên đất và nước.