Công nghệ thông tin và vấn đề buôn bán động vật hoang dã

ThienNhien.Net – Dù đã có nhiều bằng chứng cho thấy Internet và các công nghệ thông tin mới đã làm gia tăng tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD), song tại kỳ họp cấp cao CITES(*) vừa diễn ra, các nhà quản lý vẫn cho rằng những cơ sở khoa học chưa đủ mạnh để diễn giải vấn đề nêu trên. Ban thư ký CITES sẽ phải thận trọng khi ra quyết định kiểm soát các công cụ thông tin này liên quan đến buôn bán các sản phẩm ĐVHD thuộc danh mục quản lý của CITES

 
Việc tăng cường kiểm soát Internet và các công nghệ thông tin mới để siết chặt tình trạng buôn bán phi pháp ĐVHD do CITES quản lý không hề đơn giản, phần vì các báo cáo và nghiên cứu hiện tại chưa đủ thuyết phục về mặt khoa học để cho thấy mối quan hệ nhân quả giữa hai nhân tố này.

 

Mặt khác, Internet cùng với các công nghệ thông tin truyền thông mới cũng đã góp phần rất lớn đối với công tác quản lý, thực thi công ước và thúc đẩy lĩnh vực buôn bán các loài động vật được cho CITES cho phép một cách hợp pháp. Tại châu Phi, điện thoại di động đã được dùng phổ biến để trao đổi thông tin và cập nhật dữ liệu từ CITES, đồng thời cũng là phương tiện có thể hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ tại chỗ.

 

Nghị quyết của phiên hội thảo mới chỉ dừng lại ở quan điểm chung chung, rằng cần thiết lập một cơ chế nâng cao thực thi pháp luật và tăng cường phối hợp giữa các thành viên nhằm loại trừ hành vi buôn bán qua mạng trái phép, đặc biệt những trường hợp có nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng, tuy nhiên không làm ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại hợp pháp.

 

Bài học kiểm soát buôn bán ĐVHD qua mạng ở Trung Quốc

 

Trung Quốc là một trong những thị trường nhập và tiêu thụ các loài và sản phẩm chiết xuất từ ĐVHD lớn nhất thế giới. Bản thân quốc gia này cũng đã phải ghi nhận rằng buôn bán trái phép qua mạng là “một thách thức lớn đối với công tác bảo tồn” và đã triển khai nhiều biện pháp thực thi pháp luật.

 

Trước năm 2004, Ebay Eachnet là trang mạng đấu giá lớn nhất Trung Quốc với khoảng 10 triệu khách hàng. Tuy nhiên, thị phần của công ty này đã tụt giảm tới mức phải đóng cửa và sau này trang web được khởi động trở lại dưới cái tên liên doanh Tom Eachnet, hiện đứng thứ 3 sau trang mạng đấu giá Pai Pai (thứ hai) và Taobao (đứng đầu, với khoảng 240 triệu khách hàng)

 

Một cuộc điều tra kéo dài hai tuần lễ của Quỹ Cứu trợ động vật Quốc tế (IFAW) trong năm 2004 đã tìm thấy 1.390 món đồ từ ngà voi được giao dịch buôn bán bằng tiếng Trung. Năm 2005, cơ quan quản lý CITES Trung Quốc đã kêu gọi việc áp dụng lệnh cấm buôn bán ngà voi qua mạng. Bộ an ninh Trung Quốc cũng đã can thiệp, nâng cao nhận thức cho các nhà quản trị mạng và yêu cầu họ dỡ bỏ tên các mặt hàng trái phép được chào bán.

 

Mặc dầu vậy, một cuộc điều tra tương tự thực hiện năm 2006 đã phát hiện 835 sản  phẩm ngà voi được rao bán, tuy được che giấu bằng những cái tên khác nhau. Với chứng cứ điều tra, Taobao và Tom Eachnet đã tuân thủ yêu cầu của chính phủ Trung Quốc, dỡ bỏ các sản phẩm ĐVHD trái phép được phát hiện và quy định cấm chào bán mặt hàng này.

 

 Năm 2007, một cuộc điều tra ngẫu nhiên đối với 4 trang web thương mại lớn, tại các thời điểm khác nhau trong năm cho thấy mặc dù cả 4 trang đấu giá điện tử này đều áp dụng lệnh cấm buôn bán ngà voi và sản phẩm từ các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, song vẫn phát hiện 1.973 sản phẩm vi phạm, 70% số đó là ngà voi. Nhiều sản phẩm rao bán có nguồn gốc từ nước ngoài.

 

Với tính chất phức tạp, tồn tại dai dẳng của nạn buôn bán ĐVHD qua mang, tháng 1 năm 2008, Cơ quan quản lý CITES Trung Quốc phối hợp với Bộ An ninh tổ chức hội thảo về kiểm soát hoạt động buôn bán ĐVHD qua mạng, tham gia có các sở ban ngành quản lý, bốn trang đấu giá lớn nhất cùng các cơ quan IFAW, Mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán động  thực vật hoang dã (TRAFFIC). Việc thực thi các quy định cũng đã được xúc tiến ngay sau đó.

 

Tháng 11/2008, IFAW và Taobao phát động một chiến dịch lớn đánh vào nhận thức người tiêu dùng, kêu gọi họ phản đối hoạt động vi phạm pháp luật này. Chiến dịch kéo dài một tháng, được sự hậu thuẫn của các cơ quan chức năng.

 

Trên trang điện tử của Taobao cũng đồng thời mở ra chuyên mục tiếp nhận thông tin bạn đọc về mảng tội phạm ĐVHD.  Tháng ngay sau chiến dịch, chuyên mục đã nhận được 3.900 thông tin gửi về, tăng gấp 4 lần so với tháng tiến hành chiến dịch. Taobao đã mở rộng chuyên mục, nhằm phản hồi và cung cấp cho bạn đọc các thông tin khác liên quan đến bảo tồn, các quy định luật pháp trong nước cũng như công ước CITES.

 

Không chỉ Taobao mà tập đoàn chủ quản Alibaba International cũng đã hưởng ứng và triển khai các hoạt động tương tự.

 

Với sự hội tụ các nỗ lực từ nhiều phía, tình trạng buôn bán ĐVHD qua các trang đấu giá lớn ở Trung Quốc đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, như con rắn trăm đầu, bị chặt đầu này mọc ra đầu khác. Các nhà chức trách Trung Quốc đang bước vào trận chiến mới, Bọn tội phạm ĐVHD đã nhanh chóng chuyển hướng sang các trang ít bị kiểm soát hơn, là các trang điện tử về nghệ thuật, các diễn đàn…


(*) CITES: Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng