Thị xã bị … “đầu độc” (Kỳ 2)

ThienNhien.Net – Chiếc ô tô dán kính đen sì, mang biển trắng dân dụng của chúng tôi cố tình chạy thong dong để tránh sự theo dõi của các “chim cú”. Vậy mà suốt mấy chục cây số từ thị xã Cao Bằng, đã có một chiếc xe Dream bám đuổi nhằng nhẵng, nhất cử nhất động không rời mắt khỏi chúng tôi. Ngay khi phát hiện chúng tôi mang máy ảnh, lập tức tiếng hú vang lên, họ nói bằng tiếng địa phương, các máy làm vàng tắt phụp, cánh “vàng tặc” lũ lượt tản ra các sườn đồi và các tràn ruộng rậm rịt.

Chỉ là nói dối

Tại xã Canh Tân, sông suối bị bới lanh tanh bành, dòng chảy chính biến mất, các ụ đất chất cao như núi, các khe nước lặng lờ như không còn chảy nữa. Tiếng máy nổ đinh tai nhức óc, khói lên ngùn ngụt, hệ thống sàng tuyển đãi vàng hoạt động náo nức. Một người dân khảng khái: “tôi cũng là dân làm vàng ở… bãi trên, máy này là của anh D., là Đảng viên, công an viên của xã đấy”.

Đối chiếu với tài liệu đáng tin cậy mà chúng tôi có, đúng là xã nhà có ông tên là D. thật, ông này làm vàng đã vài năm, đoàn kiểm tra đến thì ông ta bảo máy đang đào cát về xây nhà văn hoá của thôn, nhân tiện bóc ít cát về xây nhà mới. Lãnh đạo huyện có xác nhận điều này, thậm chí, 3 xã “thi nhau đào đãi vàng” ở miền Tây huyện Thạch An (là Canh Tân, Quang Trọng và Minh Khai) còn có tới 12 ông cán bộ xã bị kỷ luật, khiển trách vì tội “để cho vàng tặc hành hoành”.

Mới đây, ngày 30/12/2010, UBND tỉnh Cao Bằng, còn có chỉ thị nêu rõ thực trạng ở 3 xã này, “phương tiện cơ giới tham gia (đào vàng trái phép) với quy mô lớn, thời gian kéo dài”, “gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng xấu tới môi trường, an toàn lao động và an ninh khu vực”. Chị thị phân tích cụ thể: để xảy ra tình trạng nêu trên, là do “một số địa phương (cấp xã) còn có hiện tượng một số cán bộ bao che hoặc trực tiếp tham gia khai thác khoáng sản trái phép, công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được thường xuyên, mức độ xử lý còn thiếu kiên quyết”, vì thế cần phải “kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm” của các cá nhân đơn vị này.

Chúng tôi đi đến đâu, tiếng máy làm vàng tắt đến đó, nhưng trong những thung lũng rộng dưới sông suối thượng lưu sông Hiến, vì đường “tụt dốc” xuống các máy múc, máy sàng tuyển quá xa, nên “vàng tặc” nghiễm nhiên nhìn đoàn cán bộ… xem họ làm việc. Khi thấy có dấu hiệu bị đột nhập hiện trường, họ mới thực sự bỏ chạy.

Đúng như ông Bí thư Nguyễn Đặng và ông Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh cao Bằng – Bùi Đào Diện nói, việc đuổi – chạy, chạy – đuổi giữa cán bộ và “vàng tặc” nơi này nó đã bị “nhờn thuốc” rồi. Hai mươi bảy Tết âm lịch, đoàn cán bộ cực kỳ quy mô của tỉnh Cao Bằng “xông pha” đi xử lý nạn khai thác vàng trái phép ở 3 xã miền tây huyện Thạch An. Công văn giấy tờ rất công phu, báo cáo xuống, trình báo lên khá tốn giấy mực, lúc lên đường thì… đến đâu cũng thấy lơ thơ vài cái máy hỏng, hãn hữu lắm mới gặp một người. Một cán bộ địa chính xã Minh Khai trả lời thẳng đuột: “hôm đó mà đi “bắt vàng tặc”, họ nghỉ ăn tết hết rồi”. Một cán bộ tỉnh che miệng cười, các đồng chí ấy đi chúc tết… người đào vàng cho vui. 

Nếu nói là không tài nào bắt được mấy gã đào vàng trái phép, với máy xúc máy ủi nặng vài tấn ì ì đi chậm hơn con rùa ở ngoài sông suối, thì hơi bị… khó tin. Thì, chúng ta sẽ không thể hiểu được rằng, với sự “thần thông quảng đại” tới mức nào mà Cảnh sát môi trường có thể tóm được các nguồn xả thải, các đường ống ngầm bí mật tinh vi của Công ty Vedan khi họ đầu độc sông Thị Vải!

Bằng những thước phim, những bộ ảnh ghi lại được của mình, tôi dám khẳng định, ai nại khó không thể bắt được người đào vàng trái phép để cứu dăm bảy vạn người đang bị đầu độc nguồn nước sinh hoạt, chỉ là một cách nói… không thật lòng. Bằng chứng là, đoàn kiểm tra của huyện Thạch An, chỉ kiểm tra trong các ngày từ 7 đến 15/01/2010 đã phát hiện rất nhiều máy móc khổng lồ đang “ăn thịt” sông Hiến và các con suối đầu nguồn. Đoàn bắt quả tang 16 công nhân, 4 máy xúc, 2 giàn tuyển, 4 máy nổ đang khai thác vàng trên suối Nà Giàn (xã Quang Trọng). Tại suối Nà Pạc, đoàn đẩy đuổi ông Hoàng Xuân Hoà (người tỉnh Bắc Cạn) về bên kia, đi theo “vàng tặc” này là 5 công nhân, với đủ bộ máy xúc, máy tuyển, máy nổ, máy bơm kềnh càng; dọc suối Nậm Cung, cũng đã xử lý ông Hạ Văn Giới (người Ngân Sơn, Bắc Cạn) cùng 10 lao động và hệ thống máy móc đắt tiền đang “mổ bụng” con suối thượng nguồn…

Đấy là chưa kể rất nhiều hộ gia đình, với máy móc lớn, đắt tiền, đều là người Thạch An cũng bị xử lý, yêu cầu khênh máy móc về nhà, ký cam kết không tái phạm. Dọc Nậm Cung, đoàn còn phát hiện có ít nhất 7 tổ khai thác vàng rầm rộ, trải dài từ huyện Thạch An của Cao Bằng sang huyện Ngân Sơn của tỉnh Bắc Cạn. Điều đó lý giải vì sao, ngay cả khi “chiến dịch” ra quân, các máy vàng trái phép ở Thạch An ngừng hoạt động toàn bộ, thì nước sông Hiến và các dòng suối vẫn đục ngàu, sền sệt.
 
Huyện Thạch An đã đề nghị lực lượng công an của mình, tổ chức hội nghị giáp ranh với công an Ngân Sơn, tỉnh Cao Bằng cũng đã có kế hoạch tổ chức đoàn đại biểu sang làm việc với tỉnh Bắc Cạn, ngõ hầu chung tay cứu lấy dòng sông Hiến thơ mộng, nơi cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho thị xã Cao Bằng và nhiều huyện lỵ khác.

Nếu thật sự ra tay, việc dẹp loạn khai thác vàng, khai thác cát trên sông Hiến và các con suối đầu nguồn của nó, không có lý gì lại không thành công.


Một máy xúc đang đào hố tìm vàng dưới lòng sông Hiến (Ảnh: ThienNhien.Net)

Khai thác vàng trong “bể nước ăn” của thị xã!

Như đã kể trên, vào tháng 2 năm 2010, đoàn kiểm tra xử lý “vàng tặc” do tỉnh Cao Bằng tổ chức đã hầu như không phát hiện được một dấu hiệu nào về sự lộng hành của những kẻ đào đãi vàng trái phép. Bản báo cáo do Thượng tá Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cao bằng ký ngày 11/2/1010, ghi nhận: đoàn đi đâu cũng gặp những cái máy hỏng, ngừng hoạt động, chỉ còn vài người ở lại trông coi, “người đào vàng” đi nghỉ Tết Nguyên đán cả. Có phải vì chiến dịch quá quy mô nên “âm vang” của bước “hành quân” dễ… bị lộ? Hay vì đoàn ra quân vào 27 tết âm lịch, lúc ấy vàng tặc đều đang gói bánh chưng ở nhà hết cả?

Hiện tại trên địa bàn 3 xã không có đối tượng nào tiến hành khai thác vàng trái phép. Trong quá trình kiểm tra không phát hiện loại máy móc nào đang hoạt động” – trích nguyên văn một đoạn trong bản báo cáo “hài hước” này. Có nhẽ không phải thế, chỉ hơn 1 tháng sau, khi PV Lao Động có mặt đúng trên tuyến đường kia, thì thấy máy móc nổ đinh tai, khói bay loà nhoà, người làm vàng nhi nhít dưới các lòng suối, lòng sông. Cán bộ xã gãi đầu gãi tai: “Nông nhàn, bà con đi kiếm tý, các anh thông cảm”.

Những phân tích trên cho thấy: Cơ quan chức năng tỏ ra bất lực, không hiệu quả trong việc dẹp nạn khai thác vàng trái phép (ít nhất là) ở Thạch An. Có những nguyên nhân vô cùng khó hiểu cho tình trạng này. Bởi máy đào vàng to và đi chậm hơn xe lu, tiếng nổ của nó thì ở cách vài cây số đã nghe tiếng, nước đục nó phun ra, thì nó chảy thẳng về trước ngay trước cổng Tỉnh uỷ, UBND tỉnh rồi đi vào nhà máy nước “ăn” của bà con thị xã, dòng đục dòng trong thế nào, ai chả biết. Không thể nói là nó “tinh vi”, khó phát hiện.

Ông Đặng Nhật Quân, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cấp nước cho thị xã Cao Bằng, thẳng thắn: “Không hiểu nổi, làm sao các vị ấy không dẹp được các bãi vàng. Tôi nghĩ, chỉ cần một tổ quân đội, công an, trực ở 3 xã độ 20 ngày, thì không máy nào hoạt động được cả”. Ông Chi cục trưởng Cục bảo vệ môi trường tỉnh thì lắc đầu lè lưỡi: “Ở khu vực 3 xã, dọc sông có ít nhất 100 cái máy bơm xả nước vào đất, thải thẳng ra sông, có gì mà nước không đục ngàu. Doanh nghiệp được cấp phép khai thác vàng, đơn vị nào vi phạm môi trường, phải dừng hoạt động, bao giờ có biện pháp xử lý hiệu quả, được nghiệm thu thì mới được làm tiếp. Người dân, ai tự ý đào ruộng của mình lên, thì “truất” bỏ cái quyền sử dụng đất của họ đi. Phải làm nghiêm thì mới hiệu quả.”

Không biết tỉnh Cao Bằng đã quản lý nghiêm với các doanh nghiệp chưa, khi mà các đoàn kiểm tra gần đây liên tục phát hiện ra những chuyện tày trời, như: chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt đã “làm vàng”, làm rồi, xả thẳng nước ra sông suối, đập ao làm chiếu lệ sơ sài. Bản báo cáo đề ngày 14/01/2010 của UBND tỉnh Cao Bằng viết rõ: “Khu vực 3 xã kể trên, có 3 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khoáng sản, trong đó, doanh nghiệp Bảo Phát đang khai thác điểm vàng Phiêng Đẩy (xã Quang Trọng, huyện Thạch An): “Tại thời điểm kiểm tra, có 220 công nhân lao động, đơn vị biên chế thành 10 tổ khai thác bằng hình thức hầm lò là chủ yếu, với 10 đường lò đang hoạt động; (…). Hệ thống xử lý nước thải của đơn vị hầu như không có tác dụng, vì các đập chắn chưa hình thành, nước thải hầu như chảy trực tiếp ra suối (…)”.

Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Thạch An, ông Nguyễn Văn Dừa đã ký văn bản, kiến nghị cấp trên kiểm tra hoạt động (gây ô nhiễm môi trường) của các doanh nghiệp trên 2 xã Minh Khai và Quang Trọng; đề nghị công ty Đại Bảo, trước đây đã được cấp phép thăm dò khai thác vàng (nay đã hết hạn) mang máy móc ra khỏi hiện trường, bởi quá trình “thăm dò” của họ đã thải chất thải lỏng và rắn làm ô nhiễm môi trường khá nặng nề.

Bạc mặt vì có… vàng

Bài toán rối như canh hẹ, nhiều cán bộ, thuộc nhiều ngành, nghề, nhiều chiến dịch ra quân và xử lý gay gắt đã khiến không ít người bạc mặt. Bản chất vấn đề nằm ở đâu? Xin thưa, nó nằm ở cái chỗ: cấp phép khai thác vàng ồ ạt nhưng lại “chưa” quản lý nổi, thiếu quyết liệt và triệt để trong việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của cả một thị xã “đầu não” của tỉnh.

Cả một thị xã  với nhiều vạn cư dân bị “đầu độc” dần dà theo đúng nghĩa đen, tại sao không cấm tiệt các doanh nghiệp khai thác vàng ở thượng nguồn sông sau khi họ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường kia đi, sao không thu giữ máy móc, bắt giữ các đối tượng ngoan cố đi? Tôi không tin, và không một ai có thể tin được, rằng lực lượng tinh nhuệ của liên ngành tỉnh Cao Bằng không thể tóm cổ được các cỗ máy ù lì to như xe tăng dưới bùn nhão của sông suối hang hốc kia!

Có lẽ, câu hỏi đặt ra ở đây. Vấn đề chỉ còn là: người ta có thật sự muốn cứu dòng sông ngắc ngoải của mình không, có muốn cứu hàng vạn người đang bị đầu độc nguồn nước sinh hoạt kia không? UBND huyện Thạch An, cũng vừa có báo cáo chính thức lên UBND tỉnh Cao Bằng, “đề nghị đình chỉ ngay lập tức mọi hoạt động khai thác vàng trái phép ở 3 xã miền tây Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng”. Có tới 12 cán bộ xã bị kỷ luật, cảnh cáo, xử lý trách nhiệm, song, dường như tình trạng vẫn đâu đóng đấy, cán bộ rút, vàng tặc lại nhò ra.

Điều mà các cán bộ nhà máy cung cấp nước cho thị xã Cao Bằng và tất cả chúng tôi băn khoăn nhất: liệu có đúng là thị xã Cao Bằng đang bị “đầu độc” không chỉ bằng bùn nhão, nước đục ngầu mà còn có cả thuỷ ngân và xianua không? Giám đốc nhà máy kể đã có công văn gửi UBND tỉnh Cao Bằng, với nội dung: “Đề nghị (tỉnh) không cấp phép khai thác vàng trên toàn bộ lưu vực phía trên các nhà máy nước (kể cả sông Bằng, sông Hiến) vì các đơn vị khai thác có thể sử dụng thuỷ ngân và xianua là hoá chất cực độc để xử lý vàng mà chúng ta không thể kiểm soát được. Lợi ích do khai thác vàng đem lại khó có thể bù lại nguy cơ thiệt hại về sức khoẻ cho nhân dân, nhất là khu vực đông dân như thị xã Cao Bằng”.

Chúng tôi đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia, gồm các Tiến sỹ vật lý, hoá học, các vị từng là lãnh đạo cấp cao của Bộ Tài nguyên môi trường, thì nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân và xianua trên sông Hiến do đào đãi vàng là có thật, lời “tố cáo” của bà con xung quanh việc doanh nghiệp nào đó ở Thạch An xả thẳng nước thải ra sông suối với cả thuỷ ngân và xianua là có cơ sở. Bởi, trên nguyên tắc, thật khó để có doanh nghiệp nào tìm được vàng mà không cần đến hai thứ chất “giết người” đó. Nếu đúng như thế, với tình trạng khai thác vàng ở đầu nguồn con sông cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều vạn người kia, với mức độ doanh nghiệp không tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường (như đã viết ở trên), thì có lẽ thị xã Cao Bằng đang bị “đầu độc tập thể” theo đúng nghĩa đen.

Và đó là một câu chuyện về một cái thị xã khá lạ kỳ.

Những thửa ruộng bỗng chốc tan hoang vì “cơn lốc” vàng (Ảnh: ThienNhien.Net):

Khai thác vàng Cao Bằng

Khai thác vàng Cao Bằng

Khai thác vàng Cao Bằng




Thị xã bị … “đầu độc” (Kỳ 1)

Một chuyến quét vàng tặc