ThienNhien.Net – Thị xã tỉnh lỵ Cao Bằng, vốn bình yên và xinh đẹp nằm giữa bốn bờ của hai con sông Bằng, sông Hiến, mấy năm nay, đang nóng bỏng đối mặt với sự thật bị “đầu độc tập thể” bởi nguồn nước sinh hoạt của bà con (sông Hiến) đục ngàu, đặc sánh và nhiều chứa hoá chất do hàng trăm hàng nghìn người khai thác vàng gây nên. Người ta sấp mặt vì thứ “lộc giời” có được do đào đãi vàng có phép và trái phép, để sông Hiến sắp biến thành con sông chết, để 70% bà con của một thị xã với hơn 5 vạn người phải ăn thứ nước có độ đục gấp hàng trăm lần cho phép, rất rất nhiều khả năng đã và đang nhiễm cả hai thứ độc tố kinh hoàng: thuỷ ngân và xianua.
Chuyện khó tin bên dòng sông “chết”
Ông Trần Thế Minh, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên cấp nước (tỉnh Cao Bằng) chán nản: “Chúng tôi nói hết cách suốt 7-8 năm nay rồi, càng kiến nghị thì có khi nước càng… đục ngàu. Năm sau đục nhiều hơn năm trước! Đáng sợ hơn, theo bà con, có doanh nghiệp B.P còn dùng hoá chất độc hại để “cô” vàng rồi xả ra sông mà chúng ta chưa thể kiểm soát được”.
Công ty TNHH một thành viên cấp nước (tỉnh Cao Bằng) đã “hết cách” trước tình trạng ô nhiễm quá mức của nguồn nước sông |
Nhà máy phải thay thiết bị, bổ sung hoá chất lọc nước mà vẫn buộc phải cung cấp nước… đục cho bà con ăn. Thậm chí, ông Minh và ban lãnh đạo Công ty đã lên sóng của Đài PTTH tỉnh Cao Bằng kêu… nhẵn mặt rồi, suốt dăm năm qua, sự việc vẫn đâu đóng đấy.
Ông Bùi Đào Diện, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Cao Bằng, người vừa “người ngựa ngậm tăm” (vì “vàng tặc” luôn có cú vọ theo dõi lực lượng chức năng!) cùng đoàn “tuỳ tùng” từ hiện trường bãi vàng về, bức xúc: “Tổng cặn, độ đục của sông Hiến hiện nay gấp 400 lần mức độ cho phép”. Tôi trợn mắt ngỡ mình nghe nhầm, ông Diện vẫn thủng thẳng: “Vượt 400 lần, tôi có nói nhịu đâu anh”. Tôi đi dọc sông Hiến, dòng nước vốn thơ mộng này bị đào thành hang hốc, thay đổi dòng chảy, nước quánh như… bùn loãng.
Vừa chữa cháy , vừa “đổ dầu vào lửa”?
Sông Hiến là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính của Công ty TNHH một thành viên cấp nước tỉnh Cao Bằng, nơi cung cấp “nước sạch” cho 70% cư dân trong số khoảng 6 vạn người của thị xã Cao Bằng và các trung tâm huyện lỵ. Nhìn cái bảng thống kê mẫu nước xét nghiệm trong suốt mấy trăm ngày, đủ các tháng từ cuối năm 2009 đến tháng 2 năm 2010, chi chít ngày nào cũng lấy mẫu, cũng kết luận “không đạt” về độ đục (NTU) và Clo dư, tôi thấy “phục” sức chịu đựng của các bác kinh doanh nước sạch.
Họ bị bà con viết thư, gọi điện than phiền, thậm chí doạ sẽ kiện vì cung cấp nước vẫn đục ngàu để người thị xã ăn uống hằng. Lá thư của ông Lô Mỹ Hưng, tổ 26, phương Hợp Giang, thị xã Cao Bằng còn hiến kế phải kiện các doanh nghiệp khai thác vàng làm nước sông Hiến đục ngàu quanh năm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân khu vực thị xã, như bà con nông dân kiện Công ty Vê-đan ấy.
Không biết, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cao Bằng nghĩ gì, khi mà bao nhiêu chiến dịch, bao nhiêu nỗ lực, kể cả việc công an quân đội hộ tống ông Nông Văn Páo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra, kể cả ra quân dẹp vàng tặc vào tận ngày 27 Tết Nguyên đán 2010 vừa rồi… cũng đành bất lực? Trong hầu hết các bản báo cáo công phu, chi tiết mà chúng tôi có trong tay, đều có các chữ, tỷ dụ như: hết chiến dịch, “vàng tặc” nó lại nhò ra hay địa hình hiểm trở, dòng sông ghềnh thách, xử lý quyết liệt nhưng không triệt để được, đề nghị trang bị máy ảnh kỹ thuật số cho đoàn kiểm tra…
Qua thâm nhập hiện trường, chúng tôi thấy, đây là một nghịch lý lớn, một dấu hỏi mà người dân có quyền đặt “chất vấn” mạnh về sự dung túng nào đó cho các doanh nghiệp khai thác vàng, cũng như việc bỏ mặc cho dòng sông – nguồn nước sinh hoạt của thị xã – phải chết tức tưởi dưới tay “vàng tặc”.
Lạ kỳ, hàng vạn người dân thị xã phải uống thứ nước lấy từ con sông đỏ ngàu, đặc sánh, độc hại như thế, suốt nhiều năm, thế mà tỉnh vẫn cấp phép cho doanh nghiệp khai thác vàng trên đầu nguồn con sông Hiến. Giữa tháng 3 năm 2010, một lãnh đạo huyện Thạch An còn vẫn phải thở dài: “Hình như tỉnh tôi lại sắp cấp phép cho một doanh nghiệp nữa làm vàng ở khu vực thượng nguồn sông Hiến, đó đúng là chuyện đổ thêm dầu vào lửa, mà tôi… không tiện bàn ở đây. Nhưng có doanh nghiệp liều đến mức, báo cáo đánh giá tác động môi trường của họ chưa được duyệt, họ đã đào tanh bành các xã. Hoặc, họ chỉ làm đập làm ao để “chống đối” đoàn kiểm tra thôi, ao bé tẹo, chỉ duy nhất có một cái ao…, “xả” hai hôm là nước bẩn, độc hại thoải mái tràn ra sông ra suối như thường”.
Có doanh nghiệp nọ làm vàng giàu nứt đố đổ vách, đoàn kiểm tra thấy rõ sai phạm, cũng chỉ quyết định phạt… 0,8 chỉ vàng (2 triệu đồng). Ông Nguyễn Đặng, Bí thư huyện ủy Thạch An, thì nhỏ nhẹ phân tích: “Trước, chúng tôi làm “gắt”, dân 3 xã đã tạm yên không đi đào vàng nữa rồi; nhưng sau đó, các doanh nghiệp được cấp phép làm ầm ầm, bà con nghĩ mà ganh tị: họ làm được, đất quê mình, ruộng quê mình, tại sao mình không làm. Thế là lại… bung ra”.
Sự thật không như trong… báo cáo
Đơn vị cấp nước, sau khi đem mẫu nước về Viện Hoá học xét nghiệm có kết quả chính thức về 30 chỉ tiêu phân tích đã tá hoả viết công văn gửi UBND tỉnh, kêu trời: chút lợi từ đào vàng, làm sao so được với tổn thất quá lớn về sức khoẻ của người dân và… cán bộ tỉnh do uống nước độc hại (có thể) chứa thuỷ ngân và xianua. Ngày 01/02/2010, ông Trần Thế Minh ký tiếp một công văn gửi UBND tỉnh, khá khôi hài và… mỉa mai, kính thưa rằng dù tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, xác định nguyên nhân chính gây đục ngàu nguồn nước sông Hiến là do các tổ chức cá nhân đào vàng, đã chỉ đạo kiểm tra xử lý, song “đến nay, mặc dù trời không mưa, nhưng nguồn nước sông Hiến vẫn đục và không có dấu hiệu giảm (đục) so với thời điểm đoàn đi kiểm tra”.
Chuyện khá ngược đời, là trong khi cơ quan quản lý tỏ ra bất lực trước “vàng tặc”, thì Công ty cấp nước phân tích rất rõ ràng mọi chuyện, họ tin rằng, muốn thật sự dẹp nạn đầu độc sông Hiến thì chỉ cần một tổ công tác nhỏ án ngữ ở 3 xã nóng bỏng kia, “có gì mà không làm được”. Họ mời Báo Cao Bằng và Đài PTTH Cao Bằng cùng đi thực tế lên thượng nguồn sông Hiến, chỉ tận tay, day tận trán từng “anh” gây ô nhiễm dòng sông.
Chưa hết, dù huyện ra quân, tỉnh ra quân rầm rĩ, nhiều lần, công văn báo cáo rối như canh hẹ, nhưng, khi nhóm PV đi thực tế nhiều ngày dọc các xã Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng của huyện Thạch An (đầu nguồn sông Hiến), thì: than ôi,… người ta đang chọc tiết dòng sông giữa thanh thiên bạch nhật. Máy xúc, máy ủi, máy sàng tuyển to như cỗ xe tăng, người đông như kiến cỏ. Chúng tôi đứng ở đường nhựa liên xã mà chụp ảnh dưới sự hằn học của các “cú vọ” (theo dõi cán bộ) cũng đủ thấy hãi hùng. Xin hỏi, liệu có lời nói dối nào trong các bản báo cáo kết quả dẹp vàng tặc hay không? Vì sao có cái sự lạ đời, là cả thị xã tỉnh lỵ Cao Bằng chấp nhận ăn nước bẩn và độc hại từ nạn đào vàng kia?
Trong kỳ họp thứ 18 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng mới đây, cử tri đã chất vấn ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nông Đình Hai xung quanh nạn “đầu độc” thị xã, giết chết sông Hiến thơ mộng nước vốn trong đến mức, đứng trên bờ nhìn thấy từng cọng rêu dưới đáy. Ông Hai cũng chỉ nói được mấy lời đã cũ, rằng “khó khăn” lắm, đuổi “nó” lại quay trở lại, và ông đá quả bóng trách nhiệm sang phía khác: cán bộ xã, cảnh sát môi trường, chính quyền huyện, thanh tra môi trường… phải giám sát, xử lý “vàng tặc” mạnh hơn nữa.
Ông Hai nói vậy, thì dòng sông sắp chết biết bấu víu vào ai để “gượng dậy”, bởi UBND tỉnh Cao Bằng đã có công văn yêu cầu Sở TNMT là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Sở Xây dựng, Công an tỉnh à các địa phương giải quyết vụ việc cơ mà. Tỉnh Cao Bằng thì hầu như chỉ có những quyết sách lặp đi lặp lại: ra công văn, thành lập đoàn, đi kiểm tra, đến nơi thấy… máy móc bỏ đó, người đi đâu hết cả, gặp vài người trông máy, yêu cầu này nọ, mang máy về uỷ ban các xã, người dân lại đến… khênh về nhà họ.
Chúng tôi nói điều này, có cả bằng chứng ghi âm, ghi hình đầy đủ: không ít người dân khi gặp chúng tôi, đã phàn nàn về cái nạn “thò tiền” ra khi cán bộ nào đó đến kiểm tra và phạt“vàng tặc”. Có cả một số cán bộ xã, Đảng viên cũng “vận hành” máy làm vàng, chọc tiết dòng sông Hiến suốt nhiều năm, điều này có cán bộ huyện xác nhận hẳn hoi.
Trong cuộc làm việc chính thức với chúng tôi tại huyện nhà, một lãnh đạo huyện Thạch An (nơi có các xã là điểm nóng đầu độc sông Hiến) thẳng thắn (điều này cũng được thể hiện cả bằng báo cáo văn bản gửi lên cấp tỉnh): đã có 6 cán bộ, cả Bí thư Đảng uỷ, cả Chủ tịch UBND của 3 xã Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng bị xử lý, kỷ luật vì để xảy ra tình trạng náo loạn đào vàng trái phép ở thượng nguồn sông suối. “Tất cả 6 người bị kỷ luật rồi, cũng khổ cho mấy đồng chí đó. Bây giờ gọi các đồng chí ra là các đồng chí lại sợ, lại ngại, bởi họ biết là được mời ra huyện, chỉ có để giải trình cái việc vàng tặc giết chết dòng sông. Họ nói là họ (xã) đã nỗ lực dẹp “vàng tặc” thế nọ thế kia, nhưng thực ra, huyện về điều tra,tìm hiểu, sự thật lại không phải thế. Bây giờ, họ cũng thành ra… nhờn rồi”. Vị lãnh đạo huyện này nhấn mạnh: đến đề nghị thành lập một cái đoàn đi kiểm tra vàng tặc, chính quyền xã cũng không thành lập nổi, vì người đào vàng toàn… bà con của họ thôi. Nếu ép đi kiểm tra cùng đoàn, đi được một buổi, nhất tề các đồng chí ấy… cáo ốm.
Khi nhóm chúng tôi vừa bước vào UBND xã Minh Khai, nơi mà ngay trước cổng nhà uỷ ban, vàng tặc thả sức chặt từng khúc sông Hiến ra đào bới xới lộn, ông Chủ tịch UBND xã len lén bỏ… trốn. Cán bộ địa chính xã gãi đầu gãi tai, sượng sùng tiếp khách.Chúng tôi đi đến đâu, người ta bám riết, theo dõi đến đấy. Máy ảnh gương lên chụp từ xa, tiếng chửi bới vọng lại. Khi tôi và một anh quay phim của Đài PTTH Cao Bằng bước xuống, lập tức các máy xúc, máy nổ đều tắt phụp, người ta bỏ chạy rào rào lên các giông núi. Lòng sông Hiến đỏ ối, chất ngất đất đỏ như vừa bị đánh bom, không tài nào phân biệt được “rãnh” nào là ao, ruộng, rãnh nào vốn là con sông nữa…
Chùm ảnh về tình trạng ngang nhiên khai thác vàng tại các xã Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng của huyện Thạch An – đầu nguồn sông Hiến: