Quản lý khoáng sản quy về một mối?

ThienNhien.Net – "Thay vì cả Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng cùng tham gia quản lý hoạt động chung về khoáng sản như hiện nay thì chỉ nên giao cho một mối là Bộ Tài nguyên và Môi trường." – khẳng định tại buổi họp về dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) ngày 18/03/2010, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng có làm như vậy thì mới hạn chế được tình trạng cấp phép, khai thác tràn lan như hiện nay.


Trước đó, tại một buổi họp thẩm định dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cũng cho rằng, việc chồng chéo về mặt quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đã dẫn đến tình trạng thất thoát, cạn kiệt tài nguyên, môi trường sinh thái bị suy thoái. Do đó, việc tập trung đầu mối quản lý về Bộ Tài Nguyên và Môi Trường là hoàn toàn đúng, đảm bảo hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

 

Ông Khiển nhấn mạnh: “Chúng ta khai thác nhưng phải để dành cho con cháu chứ không phải là hoạt động kiểu lấy của thế hệ sau nuôi thế hệ hiện tại”. Trong khi nhiều nước đang bỏ tiền ra để mua khoáng sản thô về dự trữ và đảm bảo an ninh khoáng sản thì chúng ta đã phải trả giá quá đắt khi nhiều khoáng sản bị khai thác cạn kiệt, đặc biệt là ở những tỉnh vùng biên. 

Hiện nay, luật pháp quy định Bộ TN&MT lập quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản nhưng lại giao cho Bộ Công Thương lập quy hoạch chế biến khoáng sản. Muốn lập quy hoạch chế biến khoáng sản thì phải dựa trên hồ sơ thăm dò khai thác, do đó, nên giao về một đầu mối là Bộ TN&MT” – ông Trương Chí Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn phát biểu.

Riêng đối với các loại khoáng sản đặc biệt vô cùng nguy hại đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người như xạ hiếm, đất hiếm, ông Khiển cho rằng, dự thảo cần có những quy định mang tính bắt buộc về giải pháp công nghệ trong việc giải quyết vấn đề môi trường đối với các đơn vị được cấp phép thăm dò, khai thác.

 

Đa số các đại biểu cũng đều thống nhất khoáng sản là tài nguyên quốc gia, nhà nước cần phải quản lý chặt, không nên giao quyền cho các địa phương, tránh để xảy ra tình trạng cấp phép tràn lan, không theo quy hoạch. Mặt khác, Luật cần quy định hạn chế và có thể cấm việc xuất khẩu quặng thô và tinh quặng vì thực tế xuất khẩu khoáng sản loại này là vô cùng lãng phí.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với việc giao Bộ Tài Nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản của cả nước, đồng thời tiến hành đánh giá trữ lượng khoáng sản.

Tỉnh có được cấp phép khai thác?

Khâu cấp phép, khai thác hiện nay còn nhiều sơ hở, khiến nguồn khoáng sản quốc gia ngày càng vơi cạn. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận nêu bức xúc: “Mỗi địa phương hiện nay như một vương quốc riêng về khai thác khoáng sản. Việc quản lý phải tập trung về Trung ương và làm sao quản lý được việc khai thác nhưng không quá ôm đồm cho Trung ương”.

Được biết, tại các cuộc họp trước, nhiều địa phương từng đề nghị tiếp tục phân cấp mạnh hơn thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện, đặc biệt là thẩm quyền trong việc quản lý các điểm mỏ nhỏ. Ông Nông Văn Páo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, điều này là hợp lý vì Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể trực tiếp đi kiểm tra thường xuyên các mỏ. Trong khi đó, phải có chủ mỏ trông coi mới chống được nạn khai thác tự do.

 

UBND cấp tỉnh vẫn được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và khoáng sản tại các khu vực nhỏ lẻ đã được Bộ TNMT khoanh định và công bố. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất cao việc bỏ quy định giao cho UBND tỉnh cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản ở những khu vực ngoài quy hoạch, nhằm khắc phục những bất cập trong thời gian qua. Thay vào đó, sẽ điều chỉnh theo hướng phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với các diện tích khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố.

Ngoài ra, dự thảo Luật còn bổ sung quy định việc lựa chọn khu vực xin cấp giấy phép thăm dò. Cụ thể: các tổ chức, cá nhân chỉ cần báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để có văn bản cho phép khảo sát tại thực địa, trên cơ sở đó mới tiến hành khoanh định diện tích dự kiến thăm dò khoáng sản.

Đấu giá để xóa cơ chế “xin – cho”

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế giải thích rõ, cơ chế đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản không phải là đấu giá mỏ. Ngay khi trúng đấu giá, nhà đầu tư vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và phí trong hoạt động khoáng sản.

Một số ý kiến nghi ngại rằng, quy định này không khả thi vì Luật hiện hành cũng đã quy định nhưng ta không làm được. Theo đó, chỉ nên dừng lại ở quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Ông Nguyễn Tiến Phương, nguyên Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) bày tỏ lo lắng, cho rằng nên chăng chỉ cho phép đấu giá đối với những mỏ có thể xác định được trữ lượng hoặc có thể đánh giá mà không cần thăm dò.

Tuy nhiên, qua thảo luận thì hầu hết các đại biểu đều tán thành quy định đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản và cho rằng đây là quy định cần thiết, phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động khoáng sản trong nền kinh tế thị trường, khắc phục những tiêu cực hiện nay. Dù vậy, để cẩn trọng hơn, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị trước mắt Chính phủ sẽ làm thí điểm đấu giá tại một số khu vực khoáng sản và xây dựng quy chế đấu giá chặt chẽ.