Xót xa rừng đầu nguồn Phia Oắc

ThienNhien.Net – Ấn tượng với những tàng cây cổ thụ và vẻ đẹp của miền rêu phủ ôn đới Phia Oắc – Phia Đén (*) bao nhiêu, chúng tôi càng xót xa bấy nhiêu khi xâm nhập vào thế giới của những đường hầm khổng lồ khoét xuyên lòng núi còn ngun ngút khói quặng tặc…

  

Niềm vui chẳng tày gang

 

Dù đã có dịp tung hoành khắp các vườn quốc gia nổi tiếng như Ba Vì, Tam Đảo, Hoàng Liên, dù biết rằng so sánh nào cũng đều là khập khiễng, nhưng tôi vẫn dám chắc: Phia Oắc là một cõi đất trời quá ư độc đáo.

 

Chuyến khám phá đỉnh Phia Oắc cao tới 1.931m so với mực nước biển của chúng tôi dễ dàng hơn sự tửơng tượng bởi sẵn có con đường bê tông trải tuột từ chân lên đỉnh núi. Quanh chúng tôi là thảm rêu, cây, cỏ dại dày và mượt như nhung, những kỳ hoa dị thảo, những dáng cây già đen đúa, khẳng khiu như đã chết, rừng trúc lùn như lồng lên nghiêng ngả giữa tiếng gió ngàn khoáng đạt. Khác với sự khô hạn của nhiều điểm cao, Phia Oắc có ầm ào những con suối nơi cội nguồn của năm dòng sông lớn đổ về xuôi, có cả băng tuyết phủ trắng lóng lánh khắp rừng trong mùa đông giữa cái xứ sở nhiệt đới mà chỉ có ai may mắn lắm mới có cơ hội được nhìn thấy tuyết rơi.

 

Các nhà quản lý cũng đã nhìn ra giá trị đa dạng sinh học của nơi này để rồi năm 2006 quyết định đặt cái tên Phia Oắc bên cạnh những cái tên “danh giá” Cúc Phương, Bạch Mã, Hoàng Liên… trong hệ thống các khu rừng đặc dụng quốc gia. Lẽ ra đó là niềm tự hào, một sự đáng mừng đối với bất cứ nhà quản lý và người dân địa phương nào. Nhưng, có lẽ vì cái sự mải mê, vì cái lý do thiếu thốn vòng vo tam quốc nào ấy, người ta tính rồi bỏ bẵng, không có trạm, chòi hay bất cứ lực lượng chuyên trách nào giữ gìn tài nguyên rừng

 

Phia Oắc gặp tai họa

 

Các cánh rừng đặc dụng tới cả trăm héc-ta dọc lối chinh phục đỉnh Phia Oắc ngổn ngang cây cổ thụ đổ, núi đá bị bới trắng toát như vừa trải qua một trận bom tấn dội kinh thiên nhất. Tôi suýt ngất xỉu khi xắn quần lội vào một đường hầm dài hàng trăm mét, bởi xú khí, bởi bụi của đất đá chứa vonfram đắt đỏ, bởi mùi khói bếp của nhóm “quặng tặc” (tự xưng là) người ở Thái Nguyên lên.

 

Trò chuyện với chúng tôi, nhóm cán bộ kỹ thuật trực tháp ăng-ten trên đỉnh Phia Oắc (cột tháp ăng-ten cao nhất vùng) bảo: “Đêm đêm, tiếng nổ mìn phá núi đinh tai nhức óc, thấy xót xa cho Phia Oắc vô cùng.”

 

Một chủ cơ sở nuôi cá hồi ở Phia Oắc, vốn là người Dao ở xã Thành Công, gặp chúng tôi cũng bất bình kêu ca rằng việc đào đãi quặng trái phép làm đục ngầu, độc hại cho toàn bộ hệ thống nước xung quanh núi, cá hồi rồi sẽ chết hết. Vị ấy kể cứ vanh vách chuyện những quặng tặc mua vật liệu nổ, lén lút phá đá tìm quặng, đánh bật các tán rừng già ra để đào bới xới lộn ra sao.

 

Phát hiện có kẻ lạ (là nhóm chúng tôi), một số quặng tặc rào rào bỏ chạy, số thì hăm hia doạ dẫm, thể hiện thái độ thách thức chống đối. Sau khi cánh thanh niên gù lưng cõng các tải quặng vonfram, đầu đội mũ có gắn đèn pin sáng quắc trốn ra khỏi thế giới tối tăm của địa đạo khai thác do người Pháp và chạy vèo vèo vào rừng, người phụ nữ còn sót lại mới dám trò chuyện với chúng tôi một cách tự nhiên. Bà vừa nhẩn nha kể, vừa đãi quặng bên vũng bùn nước đặc quánh như cháo. Bà tên là Hà Thị Bình (dân tộc Sán Chỉ ở Đại Từ, Thái Nguyên).


Hang nước từ trong lòng núi ra khá dồi dào, bà cứ xúc quặng và đãi trong máng gỗ, rồi cần mẫn nhón từng miếng vonfram li ti cất vào một cái túi rết. “Mỗi ngày cũng được khoảng một trăm nghìn, nhưng khói và bụi trong hang ra, lúc nào cũng thấy buồn nôn”, bà bảo.


Cô bé Diệp ngoài 20 tuổi, là người Dao ở Nguyên Bình, cùng mẹ là bà Bàn Thị Liều  khiêng quặng rồi tìm nguồn nước, cứ thế ngồi đãi từ sáng đến tối. “Đêm nào vào vỉa quặng tốt, mẹ con em thức cả đêm ở trong rừng để tranh thủ làm ngày làm đêm, làm thêm lúc gà gáy. Chỉ cần cái đèn pin thôi, hết nước uống thì uống nước từ trong hầm quặng ra. Khi mệt quá, em toàn ngủ ngồi độ một tiếng, dựa lưng vào gốc cây, rất tiện”, Diệp vô tư kể.

 

Tôi nhìn ra, thấy những gốc cây to hai người ôm, rêu mốc từ cành đến gốc đã khẳng khiu sắp chết vì bị đốt. Là bởi tại mẹ con Diệp nấu cơm trong hốc cây để tránh gió lớn tạt lửa đi, thân gỗ cháy đen. Bên cạnh là các loại áo váy của người Dao phấp phới trên cành cây. Người ta chẳng mảy may lo lửa có thể thiêu rụi các cánh rừng di sản thiên nhiên Phia Oắc bất cứ lúc nào. Bất cứ một sơ suất nào về củi lửa, đun nấu hay sưởi ấm của mẹ con Diệp, tất cả sẽ thành tro bụi.

Vì Phia Oắc được quản lý theo kiểu “vô chủ” nên người dân thoải mái nấu nướng, đốt gốc cây, ăn ngủ ngay trong rừng

Giọng cô bé đãi quặng còn  ngòng ngọng tiếng Kinh rầu rĩ khi tôi nói mình là… kiểm lâm: “Các anh bắt thì em phải chạy thôi, chạy mà không thoát thì cùng lắm là các anh thu dao, cuốc xẻng, máng đãi của em. Em đành em chịu mất thôi. Nhưng không đi tìm vonfram, em biết làm gì?”. Nói xong, Diệp tựa lưng vào hốc đá thở dốc, lim dim ngủ. 


Thấy chúng tôi không bắt bớ, cũng chẳng doạ dẫm gì được chúng tôi, sợ mất công mất việc, hàng chục người từ các hốc rừng sượng sùng bước ra, tiếp tục chặt rễ cây, phá đá, bới đãi quặng. Bấy giờ tôi mới phát hiện cây rừng ở nơi này, nó đẹp khẳng khiu và rêu mốc, có lẽ một phần vì chúng đều mọc trên đá tảng.

 

Vừa cằn nhằn vì đói nghèo, vừa chửi ngân hàng nào đó gây khó dễ không cho vay vốn, một “quặng tặc” ngoài 40 tuổi ngồi giữa thế giới cổ thụ vừa bị anh ta đánh bật gốc để bới vonfram quay lại chất vấn tôi: “Không lẽ tôi cứ để vợ và 3 đứa con nằm chết đói, thế là phải lên rừng làm quặng thôi, bắt cũng làm, thu máy cũng… vẫn làm”. Một chị vừa chặt rễ cây rừng để mở rộng cái hang của mình, vừa kể: “Nhà em ở gần nhà ông chủ tịch xã, ngày nào em cũng vào rừng, ông ấy biết chứ, cả làng đi đào, ai buồn cấm nữa”.

 

Được biết, sự việc nóng đến độ tỉnh Cao Bằng đã phải ra chỉ thị riêng “tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên khu vực Phia Oắc – Phia Đén, huyện Nguyên Bình”. Trong một chiến dịch thu giữ đồ nghề, lều lán của quặng tặc, trò chuyện với báo chí, ông Trưởng Công an huyện Nguyên Bình đã nhấn mạnh đến sự nguy hiểm khi các quặng tặc dùng kíp mìn, thuốc nổ trái phép, đào các “địa đạo” dài tới 150m dọc ngang chằng chịt núi non…           

 

Trước mặt chúng tôi, đoàn người vẫn nổ mìn rồi cặm cụi chặt từng cái rễ cây, moi đá và đất trong gốc cây ra ra để nghiền và đãi, tạo thành hầm hố hang hốc dưới gốc cây. Cái cây sẽ tự đổ, sau khi đoàn “chuột chũi” gặm khoét ngày dài lại đêm thâu để tìm kiếm quặng.

 

Cây đổ, chết khô trong rừng, không ai đẵn vác gỗ làm gì cả. Những dòng nước đặc sánh như cháo chảy xuống chân núi, những bãi đá trắng toát, mỗi ngày một rộng thênh ngát tầm mắt. Tiếng mìn nổ, tiếng đập đá, chặt cây, đãi quặng huyên náo khắp nơi, lại thêm dòng người đi đặt bẫy, săn bắn, khiến Phia Oắc tuyệt bóng thú hoang.

 

Giết rừng, giết mình

 

Đặc biệt đáng buốt lòng là nạn ô nhiễm môi trường, huỷ hoại rừng phòng hộ đầu nguồn, tàn phá các giá trị đa dạng sinh học mà tỉnh Cao Bằng vẫn ngong ngóng muốn giữ gìn để hình thành nên một khu bảo tồn thiên nhiên thực sự.

 

Sau những chầu leo núi bạc mặt, tôi rùng mình ngoái xuống các giông núi lớn, thấy trắng nhức mắt toàn những khối đá bị đào bới “vỡ âm” vì mìn nổ, tôi thử đạp chân một cái đá xô ào ào như thác. Những cái cây nhiều trăm năm bám trên đá đã bị rỗng gốc, chặt cụt hết rễ, chỉ một trận gió mạnh, cả cánh rừng toan gẫy rạp. Chỉ một cơn mưa ác, cơn lũ đá sẽ vùi những thung lũng kia thành bình địa, quặng tặc sẽ tự giết chết… chính họ.

 

Cái sự giống như vô chủ của rừng Phia Oắc, Phia Đén hôm nay, rõ ràng là một điều rất đáng xấu hổ.


(*) Một số tài liệu viết là Phja Oắc, Phja Đén