Rừng đặc dụng Phia Oắc còn “vô chủ” đến bao giờ?

ThienNhien.Net – Suốt thời gian đi bộ, leo núi, chui hang thực hiện phóng sự “Bới tung rừng Phia Oắc” (đã đăng Báo Lao Động số ra ngày 19/3/2010), nhóm PV chúng tôi không thấy dấu hiệu của sự có mặt của bất cứ lực lượng bảo vệ rừng nào. Với cung cách giữ rừng, giữ núi một cách hình thức, bỏ rừng cho lâm tặc và quặng tặc thả sức “làm thịt” như hiện nay, rừng đặc dụng, miền di sản Phia Oắc – Phia Đén sẽ sớm trở thành… hoang địa. Hiểm hoạ thiên nhiên do núi rừng đầu nguồn bị chặt phá, đào bới, trước hết sẽ đổ lên đầu chính người dân sống ở nhiều xã trong khu vực.

Trong khi, trò chuyện với chúng tôi, ông Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) tỏ ra mệt mỏi, bất lực trước tình trạng “xin phép” thành lập các tổ đội truy quét lâm tặc và quặng tặc xong, cán bộ rút về, “bọn chúng” lại ào ào xông ra; thì ông Nguyễn Sinh Cung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng lại nói về vụ việc với những cảm nhận và số liệu rất sâu sát và tâm huyết:

Ông Nguyễn Sinh Cung: Rừng Phia Đén – Phia Oắc là rừng đặc dụng có tầm quan trọng đặc biệt của tỉnh Cao Bằng. Rừng đặc dụng, là cách gọi chung, để chỉ các cánh rừng có vai trò sử dụng một cách đặc biệt quan trọng, như: rừng ở khu di tích lịch sử văn hoá, khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia… Rừng đặc dụng Phia Oắc có diện tích được tỉnh chính thức quy hoạch khoảng hơn 10 nghìn héc-ta.

PV: Thưa ông, nhiều tài liệu đáng tin cậy mà chúng tôi có, lại cho rằng, vùng rừng sinh thái này rộng tới 35.000 ha, không biết con số đó căn cứ vào đâu?

Ông Nguyễn Sinh Cung: Đó là con số có thật, lý do là huyện Nguyên Bình họ đã có ý định quy hoạch xây dựng một khu vực phát triển kinh tế xã hội, khu vực sinh thái du lịch rộng tới 35.000ha (trải trên nhiều xã, lên tận độ cao 1.931m). Dự án đó đã được lập rồi nhưng không thành công.

PV: Qua các chuyến xâm nhập của chúng tôi thì việc khai thác quặng trái phép là rất kinh khủng, thậm chí người ta đốt lửa, nấu cơm, ăn ngủ trong rừng, trong hang núi, họ sử dụng cả thuốc nổ giết chết cảnh quan, môi trường, sinh thái…

Ông Nguyễn Sinh Cung: Đúng ra, những khu rừng đặc biệt này phải giao cho kiểm lâm quản lý chuyên trách. Nhưng, hiện nay, chúng tôi không đủ lực lượng để làm việc đó. Ví dụ như ở một số tỉnh cùng là vùng Đông Bắc như chúng tôi, họ giao 1.000 ha rừng cho một kiểm lâm bảo vệ, trong khi ở Cao Bằng, hơn 335.000ha rừng, mà chỉ có được 145 kiểm lâm thôi (thiếu tới 190 trong tổng số 335 người = hơn 60% lực lượng).

Ví dụ như huyện Nguyên Bình (nơi có núi rừng Phia Oắc), hiện nay mới có 9 cán bộ kiểm lâm. Huyện cũng thành lập đội quản lý việc khai thác quặng chì, kẽm, von-fram ở Phia Oắc, nhưng từ khi chúng ta tiến hành mở đường lên xây dựng cái tháp Truyền hình quốc gia ở trên đỉnh núi, có đường ô tô xe máy lên được rồi, thì người ta càng tràn lên khai thác quặng nhiều hơn. Không dễ gì quản lý được. Lực lượng kiểm lâm thì cũng chỉ biết… tuần tra thôi. Nhiều người, từ nhiều nơi, họ cơm nắm cơm đùm đào quặng “trong hang trong hốc” ấy rất nhiều. Bây giờ chỗ Phia Oắc đang tỉnh đề nghị thành lập một khu Vườn quốc gia, phải bố trí lực lượng chuyên trách vào quản lý thì mới được, chứ lực lượng kiểm lâm chỉ có 9 người “hoạt động” trên địa bàn toàn huyện với gần 20 xã. Ban quản lý rừng phòng hộ có 6 người, gọi là rừng Phia Oắc nằm trong khu vực họ quản lý thôi, chứ họ không thể quản nổi…


Hàng loạt cây bị bật gốc chết do người dân đào lấy quặng bên dưới. (Ảnh: ThienNhien.Net)

PV: Trong khi ông tâm huyết ngồi ước mơ Phia Oắc được công nhận là Vườn quốc gia, khu bảo tồn, để có Ban giám đốc, có lực lượng và vũ khí bảo vệ rừng, thì hình như Phia Oắc vẫn tạm thời (gần như) “vô chủ”… Theo ông, hiện tại, phải làm sao để rừng đặc dụng không bị “rỗng ruột” vì chờ đợi các “danh hiệu” kia?

Ông Nguyễn Sinh Cung: Rừng đặc dụng Phia Oắc, sở dĩ gọi như thế, chỉ đơn giản bởi vì địa phương đã “quy hoạch” nó vào loại “rừng đặc dụng” mà thôi, chứ chưa hề có quyết định, chưa có cơ chế hoạt động và bảo vệ kèm theo. Tỉnh Cao Bằng hiện nay có 8 khu rừng đặc dụng, gồm: Pắc Pó, Lam Sơn, Trần Hưng Đạo, Thác Bản Giốc, Đông Khê (nơi Bác Hồ quan sát trận địa)… Còn bây giờ, theo quy định mới của Nhà nước, thì yêu cầu các khu rừng quý, phải có diện tích từ 15.000ha rừng đổ lên thì Chính phủ mới công nhận rừng đặc dụng. Phia Oắc chỉ hơn 10.000ha, thành thử rất khó để được công nhận. Đúng là Phia Oắc từng được quy hoạch cùng Ba Bể, Hoàng Liên, nay các di sản kia đã thành Vườn quốc gia, trong khi Phia Oắc vẫn là (hầu như) “vô chủ”. Lực lượng công an, quân đội mỗi lần huy động, “dẹp” được nạn phá rừng, đào quặng một thời gian, “cán bộ” rút, “nó” lại vào phá. Nói thật là, các “tổ chốt” của lực lượng liên ngành, tạm thời khi tình hình quá nóng trên Phia Oắc như gần đây, không thể lùng bắt hay chấm dứt được “quặng tặc” đâu. Cứ gọi là thay nhau trực ở đó thôi. Mà, bây giờ họ cũng bỏ các “tổ chốt” đó rồi, bỏ từ năm ngoái kia…

PV: Ai cũng biết là khó khăn, nhưng không lẽ vì lực lượng mỏng, vì nại khó mà chúng ta để mặc “kho báu thiên nhiên” Phia Oắc tàn lụi bởi lâm tặc và quặng tặc ư?

Ông Nguyễn Sinh Cung: Tỉnh đã quy hoạch khu vực Phia Oắc rồi đấy, nhưng chắc vì không có nguồn, chưa có chính sách và biện pháp hiệu quả để kêu gọi các nhà đầu tư vào cuộc nên…. Thực trạng bây giờ là rất gay. Có lẽ, chỉ còn cách đưa Phia Oắc thành Khu bảo tồn thiên nhiên hay Vườn quốc gia thì mới có “cây gậy” – quy chế, có lực kiểm lâm chuyên trách và kinh phí – để bảo vệ được. Chúng tôi cũng cảm thấy rất tiếc cho khu này, theo quy định hiện hành, nó không đủ tiêu chí diện tích để xây dựng Vườn quốc gia. Có lẽ là, một mặt trung ương quy định như vậy, nhưng cũng cần phải có ngoại lệ cho những nơi như Phia Oắc – một rừng đặc dụng mang tính đặc thù cao, chứa trong nó nhiều giá trị bảo tồn quan trọng – thì chỉ cần khoảng 10 nghìn héc-ta diện tích, nếu đáp ứng đủ một số các tiêu chí khác nữa, thì công nhận luôn. Bộ trình, Thủ tướng ký thì mới bảo vệ được các giá trị quý báu của Phia Oắc.

PV: Xin cảm ơn cuộc trò chuyện thẳng thắn của ông.