“Doanh nghiệp xanh” – Trách nhiệm với sự phát triển bền vững

ThienNhien.Net – Sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường vừa là trách nhiệm, vừa là mục tiêu đặt ra bức thiết cho các doanh nghiệp hiện nay. Do đó, được công nhận là “Doanh nghiệp xanh”, các cơ sở sản xuất đã có một loại “giấy thông hành” đáng tự hào vì sự phát triển bền vững.


Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững là quyết tâm và hành động ngày càng được thể hiện mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Trong buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh: “Các Uỷ ban quản lý lưu vực sông Cầu, sông Đồng Nai… đã được thành lập. Chính phủ, các Uỷ ban, bộ, ngành cần phải ngồi lại với nhau để tìm ra cách giải quyết ngay với từng công việc cụ thể, bức bách”.

Sự chuyển biến trong nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường để phát triển bền vững ở Việt Nam đã được khởi động từ “Chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn”, Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2025” . Cùng với Luật Bảo vệ môi trường, đây sẽ là hành lang pháp lý để công tác quản lý, thực thi môi trường tại các cơ quan quản lý, địa phương và các doanh nghiệp (DN) sẽ ngày một tốt hơn.

Từ năm 2006, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh – nơi tập trung nhiều nhất số DN sản xuất kinh doanh, đã tổ chức giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” nhằm khuyến khích DN nỗ lực thực hiện bảo vệ môi trường. Nhiều DN đã được nhận giải thưởng này.

DN đoạt giải “Doanh nghiệp xanh” sẽ được cấp giấy chứng nhận và sử dụng logo của giải in trên bao bì sản phẩm. Đây được xem như tấm “giấy thông hành” để vượt qua rào cản “xanh” hiện đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng để hạn chế hàng nhập khẩu từ các nước khác.

Điển hình như Viện Công nghệ Giấy – Xenlulo đã nghiên cứu hoàn chỉnh công nghệ xử lý nước thải cho các nhà máy thuộc ngành Giấy bằng phương pháp sinh học, sử dụng bùn hoạt tính, phương pháp hóa lý và các phương pháp vi sinh khác sử dụng enzim nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn A, B theo TCVN 5945-95. Đây là loại công nghệ có thể sử dụng trong các nhà máy sản xuất giấy, bột giấy, làng nghề sản xuất giấy… và chuyển giao công nghệ cho khách hàng là các DN.

Bên cạnh đó, nhiều DN đầu tư nước ngoài cũng được cơ quan chức năng của Việt Nam công nhận tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường và có tỷ suất nộp ngân sách cho địa phương cao như: Công ty Ford Việt Nam, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), Công ty Sonadezi (Đồng Nai)…

Thêm nữa, nhiều DN lớn trong nước cũng đã chủ động áp dụng các giải pháp xử lý chất thải và đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất như: Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại thành công trong đề tài tách dầu mazut ra khỏi nước thải để phục vụ sản xuất; Công ty cổ phần Thuỷ sản Bến Tre; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam với mục tiêu hướng tới “Mỏ sạch- an toàn- hiện đại” đã cải tiến, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường từ khâu khai thác, vận chuyển cho đến sàng tuyển…

Ngoài ra, các DN vừa và nhỏ, DN làng nghề với sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức quốc tế cũng đã nâng cao nhận thức về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từ đó thay đổi phương thức sản xuất, đổi mới công nghệ.

Trong phạm vi dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa” của Bộ Khoa học và Công nghệ, 5 năm trở lại đây, hàng trăm lò gạch thủ công tại gần 40 tỉnh thành trên cả nước đã nhận được sự hỗ trợ để chuyển đổi sang lò gạch liên tục kiểu đứng, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các địa phương này.

Đặc biệt, trong gần 5 năm qua “Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp” của Bộ Công Thương với sự phối hợp của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) đã hỗ trợ triển khai mô hình trình diễn tại 100 DN trên cả nước, và đã đạt kết quả khả quan.

Đồng thời, thông qua các giải pháp giảm thiểu phát thải đầu nguồn nhiều DN đã nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế và trong nước, xây dựng được thương hiệu “sản phẩm xanh” trong cộng đồng, đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp và góp phần bảo vệ môi trường như: Công ty Xi măng Lưu Xá (Thái Nguyên), Công ty Mây tre lá Âu Cơ (Quảng Nam), Công ty Chè Ngọc Lập (Phú Thọ), Công ty Mía đường Sông Lam (Nghệ An), Nhà máy Chế biến dừa Thành Vinh (Bến Tre)… Điển hình là Làng nghề gốm Bát Tràng với hơn 70% hộ dân đang sản xuất đã chủ động chuyển đổi từ lò nung gốm đốt than sang đốt gas, nhờ vậy mỗi năm đã giúp tiết kiệm được khoảng 3.000 tấn dầu quy đổi và giảm phát thải trên 12.000 tấn khí CO2.

Đây là những chuyển biến đáng ghi nhận của các DN, làng nghề trong nỗ lực bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững.