Thiếu kiểm soát chặt chẽ, nuôi nhốt hổ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn

ThienNhien.Net – Một bản báo cáo tóm tắt về tình trạng buôn bán hổ trái phép vừa được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên công bố ngày 15/03/2010, sau cuộc điều tra kéo dài 12 tháng trên phạm vi cả nước.

 

Nghi vấn mối liên hệ giữa trang trại nuôi nhốt hổ và hoạt động buôn bán trái phép

 

Bản báo cáo cho biết do tính chất đặc thù của hoạt động buôn bán hổ nên đối tượng vi phạm sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, tổ chức hoạt động rất chuyên nghiệp. Đã có những dấu hiệu hé mở mối liên hệ giữa một số trang trại nuôi nhốt và hoạt động buôn bán hổ trái phép.

 

Quan sát của điều tra viên từ 10 vụ bắt giữ hổ buôn bán vận chuyển trái phép đã cho thấy những chứng cứ để đặt nghi vấn tang vật hổ có nguồn gốc từ các trang trại hoặc cơ sở nuôi nhốt kinh doanh, mà không phải từ nguồn gốc tự nhiên.

Sơ đồ buôn bán hổ
Nguồn:ENV

 

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết việc nhân nuôi hổ ở Việt Nam bắt đầu phát triển từ 5 đến 10 năm nay. Phần lớn số hổ nuôi hiện nay có nguồn gốc bất hợp pháp, bị buôn lậu qua đường biên giới Cam pu chia hoặc từ một số cơ sở gây nuôi ở miền Nam.

 

Mặc dù các chủ trại nuôi nhốt luôn giương cao khẩu hiệu “góp phần bảo vệ loài hổ trước nguy cơ tuyệt chủng”, nhưng trên thực tế đến nay chưa có chủ trại nào có hành động cụ thể chứng tỏ tinh thần “thiện nguyện” ấy.

 

Thậm chí, kết quả điều tra của nhóm đã phát hiện có trường hợp, chủ trại nuôi nhốt hổ còn có quan hệ trực tiếp với các đối tượng buôn bán, vận chuyển hổ bị cơ quan chức năng bắt giữ. 50% số cơ sở được điều tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Việc tàng trữ hổ đông lạnh tại cơ sở nuôi nhốt hổ cũng đã xảy ra. Hơn 40% trường hợp hổ chết trong vòng 4 năm trở lại đây không minh chứng được đã tiêu huỷ theo quy định.

 

Hiện tượng gian dối, nhập nhèm trong số liệu khai sinh và khai tử hổ nuôi của chủ trang trại hiện nằm ngoài tầm giám sát của một số địa phương. Điều này khiến người ta không khỏi băn khoăn, với 84 cá thể hổ nuôi nhốt tại 7 trang trại (hay 101 cá thể nếu tính cả các sở thú và trung tâm cứu hộ) và còn có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, có nên sớm tiến hành gắn chíp cho hổ nuôi, giống như đã thực hiện đối với gấu nuôi trong thời gian qua?

 

Trong một hội thảo bàn về bảo tồn hổ cuối năm 2009, một vị đại diện Cục Cảnh sát môi trường khẳng định Việt Nam không khuyến khích nuôi nhốt hổ, sẽ không thể có chuyện phát triển hổ nuôi mạnh mẽ như Thái Lan và Trung Quốc bởi chính sách của nước ta kiểm soát rất chặt chẽ. Bản báo cáo của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên tuy chưa chỉ rõ những lỗ hổng trong chính sách quản lý hiện nay, song đã thể hiện một thực tế rằng vấn đề kiểm soát hổ nuôi hiện chưa chặt chẽ. Thậm chí, báo cáo còn kiến nghị “Trước mắt, các cơ quan chức năng và quản lý liên ngành cần phải kìm hãm sự phát triển các cơ sở tư nhân gây nuôi hổ ở Việt Nam (gồm cả cấm sinh sản), và đánh giá vai trò của các trại hổ đối với bảo tồn“.

 

Vấn đề nhân nuôi động vật hoang dã tại các cơ sở tư nhân, trong đó hổ là một trường hợp điển hình vì hổ là loài nguy cấp quý hiếm và có nhu cầu tiêu thụ luôn ở mức cao –  hiện vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi. Một số nhà khoa học thậm chí ủng hộ, cho rằng nên, bởi họ vẫn lo lắng rằng việc bảo tồn loài tại các khu bảo tồn là chưa đủ, cần được sự hỗ trợ của bên ngoài, song họ cũng luôn đi kèm với điều kiện rằng “nếu việc nhân nuôi được tiến hành một cách khoa học và được kiểm soát chặt chẽ”.


Để có được chữ “nếu”, quả thực luôn khó.

 

 

Theo nhận định của Bà Nguyễn Thị Vân Anh, cán bộ điều phối chương trình điều tra, dữ liệu nghiên cứu cho thấy Việt Nam đã trở thành một thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ hổ, đặc biệt là cao hổ, chứ không đơn thuần là nơi trung chuyển hổ qua biên giới Trung Quốc. Nếu thông tin này được xác nhận một cách khoa học, sẽ là một cơ sở quan trọng cho việc tập trung các nguồn lực và xác định mũi nhọn để kiểm soát nạn buôn bán và tiêu thụ trái phép hổ và các sản phẩm dẫn xuất từ hổ.

 

Nhà báo Lam Hạnh, báo Pháp luật Việt Nam cho biết trong Bộ Luật hình sự sửa đổi hiện nay, phần quy định về các tội danh vi phạm về động vật hoang dã còn thiếu hành vi “tàng trữ động vật hoang dã”. Kẽ hở pháp luật này đã bị những kẻ buôn bán lợi dụng trong thời gian qua.