Bước đột phá cho nền sản xuất ở Cà Mau

ThienNhien.Net – Với 3 mặt giáp biển, có chiều dài trên 254 km, nhiều hệ thống kênh rạch cùng trên 80 cửa biển lớn, nhỏ và các hệ sinh thái mặn, ngọt đan xen nhau, Cà Mau có tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển nền sản xuất, nhất là nuôi tôm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nền sản xuất của Cà Mau phát triển rất chậm.


Nguyên nhân chính là do kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ, nhất là hệ thống thủy lợi, đất đai manh mún, tập quán sản xuất lạc hậu, trình độ thâm canh của người nông dân còn hạn chế, làm cản trở sự phát triển.

Từ năm 2009, Cà Mau đã khởi động đề án mô hình lúa – tôm trên đồng đất, được xem là bước đột phá mới để nâng cao năng suất sản lượng lúa – tôm của tỉnh.

Mô hình này sau khi đưa vào sản xuất đã được các nhà khoa học đánh giá là mô hình hiệu quả và mang tính bền vững cho cả vùng Bán đảo Cà Mau. Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, trồng lúa luân canh với nuôi tôm đã bổ sung bùn đất hữu cơ và chất dinh dưỡng cho đất; lúa lại sử dụng những chất thải hữu cơ do quá trình nuôi tôm để lại nên làm sạch môi trường; nuôi tôm vụ sau đất sẽ sạch, ít dịch bệnh, vì thế rủi ro trong nuôi tôm ít hơn và mang tính ổn định, bền vững hơn mô hình sản xuất chuyên tôm.

Cùng với đó, chủ trương khép kín vùng, ô thủy lợi để chủ động nước phục vụ cho sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm đã khẳng định tính hiệu quả hướng đi này. Ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân là một điển hình sinh động nhất cho mô hình sản xuất lúa – tôm. Hiện nay năng suất tôm – lúa ở khu vực này tăng gần gấp đôi so với trước.

Ông Trần Ngọc Thành, ấp 4, xã Thới Bình, phấn khởi cho biết, gia đình ông có 2,7 ha đất, sau nhiều năm nuôi độc canh con tôm hiệu quả rất thấp. Từ khi phát triển mô hình sản xuất lúa – tôm đạt hiệu quả khá cao, mỗi năm thu nhập hơn 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hay như ông Nguyễn Văn Hướng, ở xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, với diện tích 20 công đất, sau khi áp dụng mô hình sản xuất lúa – tôm, năng suất và sản lượng lúa – tôm của gia đình ông tăng lên hằng năm nhờ tích lũy những kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất của mình, năm 2009 vừa qua gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng.

Mô hình sản xuất bền vững và hiệu quả bước đầu của việc thực hiện đề án này đã ghi nhận nền sản xuất Cà Mau có sự chuyển động tích cực. Năng suất tôm nuôi tăng hơn trước, đạt 370 kg/ha, năng suất lúa tăng dần lên. Dù chưa có bước nhảy vọt về năng suất, sản lượng, nhưng tính khả thi của đề án này được người nông dân đón nhận tích cực.

Thông qua các bước thực hiện đề án, làm thay đổi một cách căn bản tư duy sản xuất của người dân và trình độ sản xuất nâng lên tầm cao mới. Điều dễ nhận thấy nhất, bước đầu người nuôi tôm và trồng lúa trong tỉnh đã tiếp cận được quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, nâng cao việc ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế dần tập quán sản xuất truyền thống như trước.

Đồng thời, qua các lớp tập huấn kỹ thuật khuyến nông, khuyến ngư, người dân đã có điều kiện tiếp cận với kỹ thuật canh tác mới và nhận được bộ tài liệu kỹ thuật sản xuất để áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Bên cạnh đó, đề án ra đời đã tháo gỡ cho Cà Mau hai vấn đề cơ bản nhất. Đó là tổ chức sắp xếp lại các cơ sở kinh doanh tôm giống, tăng cường kiểm tra kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống. Các giống lúa cũng được đặc biệt chú trọng về việc tổ chức nhân giống lúa siêu nguyên chủng và giống đại trà tại địa phương để nông dân sản xuất lúa hàng hóa, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, người nông dân được chuyển giao quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao và quy trình sản xuất lúa 3 giảm – 3 tăng, quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…

Qua đây, có thể thấy, với bước khởi động đạt nhiều kết quả lạc quan, tin chắc rằng đề án này sẽ mang tính đột phá mới cho nền sản xuất ở Cà Mau trong những năm tới.