ThienNhien.Net – "14 tháng 3 là ngày Quốc tế hành động vì các con sông. Trong khi con sông Mê Kông đang trải qua một trận khô hạn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, chứng tỏ một cách đầy đau đớn tầm quan trọng của nó đối với cuộc sống của người dân trong khu vực, đây chính là ngày để tôn vinh những lợi ích sống còn mà con sông đã mang lại, là ngày để cùng nhau hành động nhằm bảo vệ dòng sông cho các thế hệ hiện tại và tương lai." – Thông điệp trên được Liên minh Cứu sông Mê Kông đưa ra trong ngày 14/3 năm nay.
Hạn hán trầm trọng
Sông Mê Kông đang đối mặt với khô hạn ngày càng nghiêm trọng, ẩn chứa vô vàn tác động nguy hiểm cho các cộng đồng sống ven sông và rộng hơn là tất cả người dân sống trên lưu vực sông Mê Kông.
Hiện nay, các cộng đồng ven sông như tỉnh Vân Nam Trung Quốc, phía Đông bang Shan của Miến Điện, Bắc và Đông Bắc Thái Lan và Bắc Lào… đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ trận hạn hán lịch sử này.
Do khô hạn, sản lượng cá đánh bắt đã sụt giảm, nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp, chăn nuôi và sinh hoạt trở nên khan hiếm, giao thông đường thủy bị mắc cạn, ảnh hưởng đến thương mại và du lịch.
Việc suy giảm nguồn lợi thủy sản, hoa màu, vật nuôi, nước sinh hoạt đã tấn công trực tiếp vào sinh kế của người dân, an ninh lương thực và nền kinh tế của một số cộng đồng nghèo nhất khu vực.
Tại Lào, các cộng đồng ven sông đang phải trải qua một mùa khô hạn, lượng cá suy giảm và thiếu nước dự trữ tưới tiêu cho đỉnh điểm mùa khô sắp tới.
Tại Campuchia, hạn hán đe dọa năng suất thuỷ sản của Biển Hồ, nơi lượng cá đánh bắt mỗi năm tỷ lệ thuận với mức lũ và là yếu tố quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và nền kinh tế Campuchia.
Tại đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam, vùng đất sinh sống của hơn 10 triệu nông dân và ngư dân, dưới tác động cạn nước của dòng Mê Kông, nước mặn ở một số nơi đã xâm nhập tới 60km, gấp đôi mức thông thường, đe dọa nghiêm trọng nông nghiệp và ngư nghiệp.
Đáng quan ngại hơn, tác động của trận hạn hán hiện nay có thể vẫn chưa đến lúc tồi tệ nhất, bởi lẽ lưu vực Mê Kông thường khô cạn nhất vào tháng Tư và tháng Năm hàng năm.
Sơ suất của Ủy ban Sông Mê Kông (MRC)
Ngày 26/02/2010, MRC đã ban hành một thông cáo về hạn hán, hơn hai tuần sau khi các phương tiện truyền thông báo động về mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Bản thông cáo đã cho rằng mực nước cạn kiệt hiện nay là do mùa mưa 2009 “khô hạn hơn bình thường” kết hợp với “xu hướng lượng mưa hàng tháng đặc biệt thấp hơn trung bình kể từ tháng 9 năm 2009” tại tỉnh Vân Nam-Trung Quốc, Bắc Thái Lan và Bắc Lào.
Những chỉ số này dường như đã dự báo rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của trận hạn hán hiện tại từ tháng 9 năm 2009 và Ban Thư ký MRC lẽ ra phải có trách nhiệm giám sát dữ liệu này để cảnh báo cho các nước trong lưu vực. Tuy nhiên Ban Thư ký MRC đã thất bại trong việc khuyến cáo và thúc đẩy các hành động phòng ngừa khô hạn. Đây là một sơ suất nghiêm trọng của MRC.
Điều này làm người ta nhớ lại thất bại của Ban Thư ký MRC hồi tháng 8/2008 trong việc cảnh báo các cộng đồng tại Bắc Thái Lan và Bắc Lào trước cơn lũ lớn đã tàn phá nghiêm trọng sinh kế của người dân. Thất bại đó của MRC bị cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ chỉ trích nặng nề. Và tình hình tái diễn khiến người ta không khỏi nghĩ tới sự “bất tài có hệ thống” của MRC.
Liên minh Cứu sông Mê Kông vốn đã sẵn thất vọng về sự thiếu minh bạch, việc chậm cập nhật dữ liệu và hành động lề mề của Ban thư ký MRC, kết hợp với điều kiện khô hạn trên sông Mê Kông hiện tại và sự quan ngại trước các dự án xây đập trên sông Mê Kông, đã kêu gọi công chúng đánh giá về hiệu suất của Ban Thư ký MRC.
Các đập nước của Trung Quốc đâu thể vô can
Thông qua các báo cáo của mình và qua truyền thông, dường như MRC đang cố gắng biện hộ cho các con đập của Trung Quốc trên dòng chính thượng nguồn khỏi trách nhiệm gây hạn hán.
MRC đã công khai các dữ liệu chứng minh cho quan điểm này. Trong khi đó, thời điểm Trung Quốc bắt đầu tích nước các hồ chứa của đập Tiểu Loan – đập vòm cao nhất thế giới và là đập thứ tư được xây dựng trên sông Lan Thương – vào tháng 10 năm 2009 trùng hợp với sự sụt giảm mực nước trên sông Mê Kông và thời điểm khởi phát của trận hạn hán mà MRC xác định.
Các đập nước ở Trung Quốc từ lâu đã được xây dựng mà không tham khảo ý kiến, không một lời xin lỗi, không tiết lộ dữ liệu, không bồi thường hoặc phục hồi môi trường cho các nước bị ảnh hưởng trong lưu vực.
Các tuốc bin đầu tiên của con đập Mạn Loan – đập đầu tiên được xây dựng trên sông Lan Thương vận hành năm 1992 – khởi động trùng hợp với trận khô hạn Mê Kông năm 1992-1993. Con đập trên sông Lan Thương thứ hai được hoàn thành tháng 10/2003, trùng hợp với trận khô hạn 2003-2004. Cảnh Hồng, con đập thứ ba trên thượng nguồn Mê Kông đã được hoàn thành vào cuối năm 2008. Đập Tiểu Loan hiện đang làm đầy hồ chứa có dung tích gấp năm lần tổng lượng nước của ba con đập trước đó.
Chẳng có gì lạ khi các cộng đồng ở hạ nguồn Mê Kông nghi ngờ sự dính líu của các con đập trên sông Lan Thương đến trận khô hạn hiện tại. Những biến đổi về thủy văn và khả năng chuyên chở phù sa của con sông Mê Kông kể từ đầu thập kỷ 1990 đã được các nhà khoa học liên hệ với hoạt động của các đập trên sông Lan Thương. Sự vận hành các con đập chẳng phải lần đầu tiên được kết nối với thực tế khiến các cộng đồng hạ nguồn ở miền bắc Thái Lan, Miến Điện và Lào bị suy giảm lượng cá và các nguồn tài nguyên khác, tác động đến nền kinh tế và sinh kế.
Vai trò của các con đập này trong những trận hạn hán trước đó chưa bao giờ được làm rõ hoặc được công bố và sự thật thường bị bôi đen. Ủy ban Mê Kông của Thái Lan chẳng hạn, trong một báo cáo năm nay đã khẳng định đập Mạn Loan bắt đầu vận hành năm 1994, thay vì năm 1992 như trong thực tế. Điều này che giấu trách nhiệm của con đập tới trận hạn hán 1992-1993.
Liên minh Cứu Mê Kông đã trực tiếp đệ đơn đề nghị Chính phủ Trung Quốc chia sẻ nguồn tài nguyên nước còn lại một cách bình đẳng giữa các nước để hạn chế tác động tới những cộng đồng sống phụ thuộc vào con sông Mê Kông.
Đáp lại, Trung Quốc đã mời chính phủ các nước hạ lưu Mê Kông tới thăm đập đập Cảnh Hồng. Đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok cũng tổ chức một cuộc họp báo ngày 11/3 để đưa ra quan điểm của họ về tình hình.
Việc đơn giản nhất mà Trung Quốc có thể làm hiện nay để xây dựng lòng tin với các cộng đồng hạ nguồn và chứng minh rằng các đập nước của mình không phải căn nguyên gây nên trận hạn hán hiện tại là mời đại diện của xã hội dân sự tới giám sát đập Cảnh Hồng và các đập khác trên sông Lan Thương.
Việc công bố dữ liệu về lượng mưa, mực nước của sông và hồ chứa, quá trình vận hành đập từ giữa thập niên 1980, cùng với các báo cáo thường xuyên sau đó về quy trình vận hành đập và mức nước… có thể xây dựng lòng tin hơn nữa với các nước hạ nguồn. Điều này tạo điều kiện để các nước trong khu vực có những cuộc đàm phán nhằm khắc phục tác động hiện tại của các dự án, đồng thời giảm thiểu tác động trong tương lai.
Không chỉ các đập thủy điện của Trung Quốc
Ngoài kế hoạch xây dựng tới 15 đập thủy điện trên sông Lan Thương, sông Mê Kông còn bị đe dọa bởi kế hoạch 11 đập thủy điện dưới hạ nguồn ở Campuchia, Lào và Thái Lan. Nếu được xây dựng, những dự án này sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng trên phạm vi khu vực.
Chặn luồng di cư của cá, các con đập có thể đe dọa cuộc sống của hàng triệu người sống phụ thuộc vào Mê Kông, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của khu vực. Kinh nghiệm thế giới đã chứng tỏ rằng không có cách nào để giảm nhẹ tác động tới thủy sản của những con đập lớn như thế.
Tình trạng hạn hán trầm trọng hiện nay và lũ lụt nghiêm trọng năm 2008 đã chứng tỏ bản chất “năng động” của con sông này cùng sự biến động theo mùa của nó. Điều này đòi hỏi những can thiệp của con người tới tương lai của dòng sông phải có một cách tiếp cận thận trọng hơn rất nhiều.
Thêm đập nước không phải là một giải pháp cho một thế giới đang ấm lên. Liên minh Cứu Mê Kông rất quan ngại về thông cáo mới đây của chính phủ Thái Lan. Theo đó, họ đã biện minh rằng xây dựng đập là cách để khắc phục hạn hán, bao gồm cả các đập Ban Koum và Pak Chom ở dòng chính Mê Kông.
Liên minh Cứu sông Mê Kông đang kêu gọi các nước trong khu vực có giải pháp đảm bảo nhu cầu năng lượng một cách bền vững đồng thời với việc bảo vệ con sông mẹ Mê Kông.
Cần những hành động hợp tác khu vực khẩn cấp
Tháng 10/2009, một bản thỉnh nguyện của Liên minh Cứu sông Mê Kông gồm 23.110 chữ ký đã được gửi đến Thủ tướng Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Bản kiến nghị cũng được gửi đến Chủ tịch Uỷ ban Mê Kông của Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam kêu gọi một cuộc tham vấn ý kiến ở cấp quốc gia và khu vực về các lựa chọn phát triển cho sông Mê Kông, đảm bảo sự tham gia của tất cả các cộng đồng ven sông.
Liên minh đã kiên trì kêu gọi bảo vệ sông Mê Kông cho các thế hệ hiện tại và tương lai, nhấn mạnh tầm quan trọng của sông cho an ninh lương thực của hàng triệu người trên khắp khu vực.
Trận khô hạn trầm trọng hiện nay lại một lần nữa chứng minh ảnh hưởng sống còn của sông Mê Kông và các nguồn tài nguyên của nó đối với tất cả các cộng đồng sống ven bờ cũng như toàn bộ người dân trên lưu vực.
MRC đã thất bại trong việc cảnh báo, phòng ngừa và phối hợp hành động để ngăn chặn trận khô hạn hiện tại. Trong hoàn cảnh vô cùng nghiêm trọng này, điều cấp bách cần làm là chính phủ các nước lưu vực Mê Kông, bao gồm cả Trung Quốc, phải chủ động phối hợp cùng nhau để chia sẻ thông tin và đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động kinh tế, xã hội và môi trường của trận hạn hán đối với các cộng đồng ven sông.