CITES đề xuất quy định mới về buôn bán động vật hoang dã

ThienNhien.Net – Khoảng 1.500 đại biểu đến từ hơn 170 quốc gia, nhóm dân tộc thiểu số, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ đã tề tựu về Doha, Quatar tham gia cuộc họp thường kỳ được tổ chức 3 năm một lần của CITES – Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Phiên khai mạc đã mở ra với lời kêu gọi thiết lập những quy định mới thắt chặt hơn công tác quản lý hoạt động buôn bán.


Trong thời gian hai tuần (từ 13 đến 25/03/2010), hội nghị tập trung bàn về vấn đề quản lý hoạt động buôn bán đối với các loài cá ngừ vây xanh, voi, cá mập, san hô, gấu bắc cực, các loài bò sát, côn trùng và thực vật. Tổng thư ký CITES, ông Willem Wijnstekers phát biểu rằng trước những thách thức hiện tại và tiềm năng, các quốc gia cần thúc đẩy nỗ lực chính trị hơn nữa để công ước có thể đáp ứng nhu cầu thực  tiễn.

Mặc dù trong thời gian qua, nhiều thành tựu bảo tồn đã được ghi nhận, song điều đó là chưa đủ, “Chúng ta không muốn các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với rủi ro trong cuộc chiến nhằm đảm bảo rằng việc buôn bán các loài hoang dã được tiến hành hợp pháp và bền vững.” – trích lời Wijnstekers

Trong số 42 đề xuất đặt trên bàn hội nghị, nhiều đề xuất đã phản ánh mối quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng quốc tế về tình trạng huỷ diệt các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước thông qua các hoạt động đánh bắt, săn bắn, đốn hạ của con người và tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu lên nguồn tài nguyên sinh vật của hành tinh ngày càng gia tăng.

Năm 2010 đã được công bố là năm đa dạng sinh học quốc tế, hội nghị CITES sẽ là một cơ hội tốt để các chỉnh phủ nắm lấy và xúc tiến các kế hoạch hành động về bảo vệ đa dạng sinh học. Trong hội nghị lần này, các nước thành viên sẽ biểu quyết thông qua phương thức bảo tồn và quản lý các loài.

Một vấn đề cũng được hội nghị quan tâm là việc bổ sung các biện pháp cấp bách để đối phó với tình trạng buôn bán trái phép các sản phẩm từ hổ, tê giác và các loài bị đe doạ tuyệt chủng khác. Hội nghị cũng sẽ bàn tới vấn đề tác động tiềm tàng của các chế tài CITES đối với sinh kế người nghèo, những người góp phần quan trọng trong việc khai thác cũng như quản lý động thực vật hoang dã.