Tiến tới đưa EITI thành cơ chế bắt buộc

ThienNhien.Net – Ngày 9 tháng 3 năm 2010 là hạn chót cho các quốc gia ứng viên tham gia Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) hoàn tất việc xác nhận kết quả thực hiện. Tuy nhiên, đến nay có tới 20 nước trong tổng số 22 quốc gia tham gia chưa hoàn thành việc này.


Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng


Minh bạch hóa ngành khai khoáng ở Ghana – Nửa thập kỷ nhìn lại

Nguồn thu nhập từ khai thác tài nguyên thiên nhiên là vô cùng quan trọng đối với hơn 60 nước đang phát triển và có nền kinh tế mới nổi. Quản lý thiếu minh bạch có thể dẫn tới nạn tham nhũng và dẫn đến mất kiểm soát trong ngành này. Chính vì thế, EITI được lập ra nhằm đảm bảo các khoản chi trả của các công ty khai thác và doanh thu tới chính phủ từ ngành này được công khai thông qua báo cáo EITI của quốc gia. Nhờ vậy, người dân có thể biết ngân quỹ được quản lý như thế nào, đồng thời giảm thiểu nguy cơ tham nhũng và lạm dụng.

Với hơn một nửa số người nghèo nhất thế giới sống tại các quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, những vấn nạn liên quan đến ngành khai khoáng như gia tăng tham nhũng, xung đột và suy thoái môi trường là mối quan tâm cấp bách. Bởi lẽ sự minh bạch của các dòng chảy tài chính là điều kiện quan trọng cần thiết để hàng tỷ USD thu được từ khai khoáng có thể giúp chống lại đói nghèo.

Ngành công nghiệp khai khoáng tạo ra hàng tỷ USD mỗi năm ở các nước nghèo. Số tiền thu được lẽ ra có thể dành cho các tổ chức viện trợ hay các quỹ y tế, giáo dục và các dịch vụ thiết yếu khác. Song thực tế đáng tiếc là nó đang bị tiêu xài phí phạm và bị vơ vét bởi một bộ phận quan chức chính phủ. Mục tiêu của EITI là tăng cường trách nhiệm và tính minh bạch ở những quốc gia này.
   
   –
Raymond C. Offenheiser, Chủ tịch Tổ chức Quỹ Oxfam Mỹ –

Tháng 10 năm 2006, một cơ cấu quản trị EITI bao gồm các bên liên quan như các công ty, chính phủ và đại diện xã hội dân sự; cùng một tiến trình cho việc triển khai và xác nhận kết quả thực hiện EITI đã được thiết lập. Năm 2008, 22 ứng viên quốc gia đầu tiên tham gia EITI đã được gia hạn tới năm 2010 để đệ trình kết quả thực hiện lên Ban EITI.

Tổ chức viện trợ quốc tế Oxfam cho biết các quốc gia tham gia EITI đang ở các giai đoạn triển khai khác nhau. Một số nước đã có những bước tiến đáng kể, song nhiều nước lại chưa sẵn sàng công khai chi phí trong khai thác dầu, khí, khoáng sản.

Trong số 22 nước tình nguyện tham gia EITI, đến nay chỉ có hai nước Liberia và Azerbaijan đã đáp ứng thời hạn và được Ban EITI đánh giá đã tuân thủ quy chế EITI. Trong khi một số quốc gia như Ghana, Nigeria, Mông Cổ và Đông Timor đã hoàn thành dự thảo báo cáo xác nhận, những nước khác như Mali, Mauritania, Niger, Equatorial Guinea và Peru vẫn tụt lại khá xa.

Cũng như nhiều nước giàu tài nguyên khác, mặc dù năng lực của chính phủ còn hạn chế, Liberia vẫn được xác nhận đã tuân thủ EITI từ năm 2009. Điều này chứng minh rằng ngay cả trong điều kiện còn rất nghèo và đang có xung đột, một quốc gia vẫn có thể đáp ứng thời hạn Ban EITI quy định khi EITI được chính phủ ủng hộ và thúc đẩy mạnh mẽ.

Theo quy định của EITI, các nước không đáp ứng thời hạn sẽ bị loại khỏi danh sách hoặc phải đăng ký lại. Các nước cũng được khuyến cáo có thể xin gia hạn nếu có thể cung cấp bằng chứng về những hoàn cảnh đặc biệt, nằm ngoài tầm kiểm soát, cản trở việc hoàn thành đúng thời hạn.

Ban EITI sẽ xem xét tất cả các yêu cầu gia hạn tại cuộc họp vào hai ngày 15 và 16 tháng tư sắp tới. Quyết định gia hạn dựa trên những nguyên tắc hiện có của EITI, theo đó nước nào không đáp ứng thời hạn mới sẽ tự động bị loại bỏ khỏi danh sách các quốc gia tham gia EITI.

Tọa đàm “Luật khoáng sản và minh bạch ngành khai khoáng: Kinh nghiệm quốc tế và bối cảnh Việt Nam” do Viện Tư vấn Phát triển (CODE) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Viện Giám sát Thu nhập (Revenue
Watch)
tổ chức. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Mặc dù tổng số các quốc gia đăng ký tham gia EITI năm nay đã đạt tới con số 32, nhưng vẫn còn những quốc gia giàu tài nguyên chưa tham gia sáng kiến này. Liên minh Publish What You Pay (PWYP) cho rằng đã đến lúc phải đưa ra các biện pháp có tính bắt buộc, chứ không chỉ là kêu gọi sự tự nguyện của các quốc gia. Một trong những giải pháp được đưa ra là buộc thị trường chứng khoán đưa ra những yêu cầu và tiêu chuẩn kế toán quốc tế cụ thể để đầy mạnh hơn minh bạch doanh thu từ tài nguyên thiên nhiên.

PWYP cũng đang vận động để yêu cầu về minh bạch hoá được xem xét và đưa vào tiêu chuẩn kế toán quốc tế mới trong năm nay.