Biến đổi khí hậu và vấn đề sức khỏe

ThienNhien.Net – Trong suốt vài thế kỉ qua, dấu chân sinh thái của con người đã tăng lên đến mức ngày nay chúng đang khiến Trái đất thay đổi về cơ bản. Con người đã biến đổi bề mặt Trái đất và thay đổi chức năng của các hệ sinh thái, gây ra sự giảm sút nhanh chóng của sự sống trên cạn cũng như dưới nước. Chúng ta cũng đang thay đổi sâu sắc khí hậu và rõ ràng những biến đổi mà chúng ta đang bắt môi trường phải hứng chịu đang gây nguy hiểm không chỉ đối với các sinh vật khác mà còn cho chính sức khỏe con người.


Biến đổi khí hậu toàn cầu đe đọa sức khỏe con người một cách nghiêm trọng và theo nhiều cách khác nhau. Phần lớn dân số sẽ phải hứng chịu nhiều đợt nóng hơn, phơi nhiễm nhiều loại dịch bệnh hơn và phải đối mặt với những thảm họa thiên nhiên thường xuyên hơn.

Đáng chú hơn cả, sự phá vỡ quy luật của khí hậu là nguy cơ tác động đến những yếu tố quan trọng đảm bảo sức khỏe của con người như nguồn lương thực, nước sạch, không khí trong lành và nơi ở an toàn. Khi biến đổi khí hậu phá hủy những yếu tố then chốt tạo nên một xã hội khỏe mạnh, con người với nguồn tài nguyên ngày một ít đi sẽ buộc phải di cư hàng loạt đến những vùng đất mà họ có thể không được chào đón. Kết quả rất có thể xảy ra của quá trình đó là sự bất ổn định và xung đột giữa con người.

Thậm chí khi khí hậu toàn cầu ổn định, con người vẫn sẽ chuyển đổi thêm đất, nước và những dịch vụ sinh thái khác cho mục đích sử dụng của họ. Những biến đổi môi trường từ những hoạt động này đang kết hợp với nhau trở thành mối hiểm họa cho sức khỏe toàn cầu và có khi lên đến quy mô chưa từng thấy trong lịch sử loài người.

Mối hiểm họa này có thể trở thành thách thức lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng trong thế kỉ 21. Chúng ta cần nhận ra mối hiểm họa này và hành động khẩn cấp để giảm đến mức thấp nhất sự phá vỡ sinh thái đồng thời tăng cường khả năng thích nghi của dân số để chống lại những ảnh hưởng không thể tránh khỏi của biến động môi trường.

Khả năng tổn thương của con người trước những mối đe dọa sức khỏe đang xuất hiện là rất khác nhau phần vì những biến đổi môi trường gây ra những hiểm họa ấy là không giống nhau. Sự tan băng nhanh chóng ở cao nguyên Tây Tạng đe dọa nguồn cung cấp nước mùa khô cho mùa màng cũng như cuộc sống của hơn 1 tỉ dân ở những đồng bằng châu thổ lớn của châu Á.

Ở vùng cận Sahara, các trận hạn hán và nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu cùng với sự bạc màu của đất, mất dinh dưỡng và thiếu nước sẽ càng làm cho năng suất canh tác giảm, hạn chế nguồn cung cấp lương thực.

Ba hiểm họa lớn khác là những trận bão khốc liệt hơn, mực nước biển dâng cao và những hàng rào bảo vệ ven biển bị bào mòn như rừng đước, vỉa san hô, khu vực đầm lầy, cồn cát ven bờ và các đảo chắn… sẽ đặt ra những nguy hiểm lớn đối với bộ phận dân cư sống ở vùng thấp so với mực nước biển.

Nhưng khả năng bị tổn thương không chỉ được xác định bởi sự phơi nhiễm với những nguy cơ về sức khỏe mà nó còn được xác định bởi khả năng thích ứng trước những hiểm họa đó. Rất nhiều trong số những hiểm họa bắt nguồn từ những biến đổi môi trường toàn cầu có thể được giảm nhẹ bằng thương mại, công nghệ, cơ sở hạ tầng, thay đổi hành vi, lòng bác ái và sự quản lí.

Các cộng đồng có đầy đủ nguồn lực cả về kinh tế lẫn văn hóa xã hội sẽ ít bị tổn thương so với những cộng đồng không có những nguồn lực đó. Bởi vậy, biến đổi khí hậu cũng là nguy cơ gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia và ngay trong chính các quốc gia.

Do mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu phụ thuộc chủ yếu vào vị trí địa lý và điều kiện kinh tế xã hội của dân cư nên điều then chốt là tất cả các quốc gia cần đánh giá sự rủi ro một cách chi tiết và khắt khe để nhận ra những bộ phận dân có nguy cơ bị tổn thương cao nhất. Các chính phủ và các bên hữu quan khác cần huy động nguồn lực tài chính đáng kể, khả năng kĩ thuật và hợp tác để đối phó.

Những ảnh hưởng về sức khỏe của biến đổi khí hậu tạo ra cả cơ hội và thách thức. Cộng đồng quốc tế hiện đang ngày càng ghi nhận việc giúp người nghèo giảm bớt những tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra-một mối đe dọa mà các nước đang phát triển không đóng vai trò chính trong việc tạo ra – là một yêu cầu đạo đức. Những mục tiêu thiên niên kỷ cũng đã được điều chỉnh lại cho phù hợp với một thế giới đang biến đổi. Trong hoàn cảnh ấy, biến đổi khí hậu có thể giúp thắp lên tia hi vọng cho việc giải quyết những thách thức tưởng chừng như không thể lay chuyển được đối với sức khỏe con người trong đó có nghèo đói, suy dinh dưỡng và dịch bệnh ở những đất nước nghèo nhất.

Trong những năm qua, các nước phát triển chưa nỗ lực đúng với khả năng của mình để giảm bớt nỗi cực khổ của người nghèo trên toàn cầu. Họ cần tái cơ cấu mạnh mẽ chương trình hỗ trợ phát triển để giải quyết những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu – một quá trình mà họ là những người phải chịu trách nhiệm chính.

Thách thức đối với nhân loại trong phần còn lại của thế kỉ này cũng như tương lai sau đó là hành động để giảm nhẹ những biến đổi môi trường và tăng khả năng thích ứng của cộng đồng đối với ảnh hưởng của bất kì biến đổi không thể giảm nhẹ nào. Hai chiến lược này phải được thực hiện song song với lòng nhiệt huyết và sự sáng tạo. Quá trình thực hiện có thể giúp chúng ta tìm ra những hướng đi đạt được cả hai mục tiêu, theo đó một can thiệp riêng lẻ có thể vừa giảm nhẹ những đe dọa môi trường vừa cải thiện sức khỏe con người.

Giải quyết những tác động tới sức khỏe của biến đổi khí hậu toàn cầu cần là nhiệm vụ ưu tiên của các tổ chức sức khỏe cộng đồng, các nhà khoa học môi trường, các nhà quản lí tài nguyên thiên nhiên cũng như chính phủ và các cơ quan liên chính phủ như Liên hợp quốc và các ngân hàng phát triển đa phương.

Điều chúng ta cần nhất là sự ủng hộ về chính trị và nguồn lực tài chính. Mặc dù các nguồn lực này cần phải đủ lớn, song khoản đầu tư ấy vẫn là nhỏ nếu đem so sánh với cái giá phải trả khi phớt lờ những ảnh hưởng của những biến đổi quy mô lớn và nỗ lực để giải quyết những vấn đề đã trở nên nghiêm trọng như nạn đói, dịch bệnh, di cư ồ ạt và nội chiến xảy ra sau những biến đổi ấy.


Nguồn: Tóm tắt từ báo cáo “Worldwatch Report: Global Environmental Change: The Threat to Human Health” của Viện Worldwatch