2015: Thăm dò, đánh giá toàn bộ bể than sông Hồng

ThienNhien.Net – Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, năm 2010, ngành than sẽ thăm dò tỉ mỉ một phần tài nguyên của bể than đồng bằng sông Hồng và đến năm 2015 sẽ thăm dò, đánh giá toàn bộ bể than này.


Mở bể “vàng đen” ĐBSH – cần đánh giá môi trường chiến lược

Theo TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng (đơn vị thuộc TKV), nếu được Chính phủ cho phép thì năm 2010 sẽ bắt đầu khai thác thử nghiệm và cũng trong năm này sẽ phải hoàn thành việc thử nghiệm công nghệ, còn việc thăm dò địa chất phải xong trước năm 2015. Đây là cơ sở và căn cứ lập quy hoạch khai thác bể than sông Hồng.

Ông Trần Xuân Hoà, Tổng Giám đốc TKV cũng nhấn mạnh đến yếu tố công nghệ. Ông khẳng định, việc lựa chọn công nghệ là vấn đề quan trọng. Phải làm sao vừa khai thác được than nhưng không ảnh hưởng đến đất sản xuất bên trên và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới môi trường. Khi chưa giải quyết tốt các vấn đề về công nghệ khai thác, chống sụt lún, để lại dư chấn môi trường… thì việc khai thác quy mô lớn chưa thể làm được.

 

Trước đó, TKV đã đề xuất một số kiến nghị, trong đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua những nội dung cơ bản của Đề án phát triển bể than sông Hồng, giao Bộ Công Thương tổ chức việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng than đồng bằng sông Hồng; cho phép TKV và các đối tác nước ngoài tự lựa chọn hình thức mà mức độ thăm dò phù hợp với yêu cầu thử nghiệm.

Về vấn đề huy động vốn, TKV cũng đề nghị cho phép các công ty liên doanh được gắn quyền thử nghiệm, thăm dò hiện nay với quyền được khai thác sau này và được đưa chi phí thử nghiệm, thăm dò vào hình thành vốn góp của công ty liên doanh khai thác than, đồng thời cho phép TKV được sử dụng quỹ thăm dò hình thành từ khai thác than tại Quảng Ninh và các nguồn khác vào việc thử nghiệm và thăm dò bể than sông Hồng…

Bể than sông Hồng được xác định chất lượng tốt, có giá trị cho các ngành luyện thép, nhiệt điện, xi măng, hoá chất, với tổng trữ lượng dự báo khoảng 210 tỉ tấn, trên diện tích 3.500 km2. Riêng dải từ Khoái Châu (Hưng Yên) đến Tiền Hải (Thái Bình) có diện tích 2.200 km2, chứa khoảng 100 tỉ tấn. Trong đó, dự kiến sẽ khai thác được khoảng trên 65 tỉ tấn.