ThienNhien.Net – Mới đây, từ đề tài “Nghiên cứu sử dụng thực vật để cải tạo đất bị ô nhiễm kim loại nặng tại các vùng khai thác khoáng sản”, các nhà khoa học Việt Nam đã đưa ra kết luận về tình trạng ô nhiễm kim loại nặng tại nhiều mỏ khoáng sản trên cả nước.
Tin từ Hà Nội Mới 10/03 cho biết, từ đầu năm 2007, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Môi trường – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã lấy hàng trăm mẫu đất và cây tại các vùng mỏ để phân tích thành phần, hàm lượng kim loại nặng.
Kết quả phân tích từ các mỏ than núi Hồng (xã Yên Lãng), mỏ thiếc (xã Hà Thượng, huyện Đại Từ), mỏ sắt Trại Cau và mỏ chì, kẽm làng Hích, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên
cho thấy tất cả các mỏ này đều là điểm nóng về ô nhiễm, điển hình là mỏ thiếc xã Hà Thượng và mỏ than núi Hồng bị ô nhiễm asen nghiêm trọng, với hàm lượng asen trong đất gấp 17-308 lần tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam, thậm chí có nơi hàm lượng asen trong đất lên đến 15.146 ppm, gấp 1.262 lần quy định.
Bên cạnh đó, mỏ kẽm, chì làng Hích cũng có hàm lượng chì gấp 186 lần tiêu chuẩn và 49 lần đối với kẽm.
Được biết, theo kết quả thăm dò địa chất, cả nước có khoảng 5.000 mỏ và điểm quặng, trong đó có khoảng 1.000 mỏ đang được tổ chức khai thác và đều là những điểm ô nhiễm kim loại đáng báo động.