Sơ kết Đề án sản xuất tôm, lúa tỉnh Cà Mau

ThienNhien.Net – Ngày 08/03 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tôm – lúa tỉnh Cà Mau 2009 – 2012, định hướng 2015” và bàn giải pháp phát triển nuôi tôm công nghiệp.


Thời gian qua, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã bám sát nội dung thực hiện đúng mục tiêu Đề án; các mô hình sản xuất triển khai thực hiện đạt chất lượng khá tốt, đặc biệt là các mô hình sản xuất lúa giống, năng suất thu hoạch bình quân đạt 4,9 tấn/ha, tăng hơn so với diện tích đối chứng là 0,5 tấn/ha.

Ban Chỉ đạo Đề án cũng đã tổ chức hội thảo sản xuất lúa giống, tôm giống, tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với thực tiễn cho mạng lưới khuyến nông – khuyến ngư, cán bộ kỹ thuật và tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất, quản lý kinh tế hợp tác tại các mô hình sản xuất đạt hiệu quả ở ngoài tỉnh…

Theo đó, năm 2010, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện mô hình: sản xuất một vụ lúa – một vụ tôm, nhân giống lúa cấp xác nhận cho xã nghèo, sản xuất theo quy trình GAP, trình diễn lúa – cá, trình diễn lúa – màu…

Đối với mô hình nuôi tôm công nghiệp, những năm qua Cà Mau đã bắt đầu phát triển mô hình này, nhưng đến nay diện tích, năng suất vẫn còn hạn chế (khoảng 1.200 ha, bình quân 4 – 5 tấn/ha/vụ). Vì vậy, để mô hình nuôi tôm công nghiệp của tỉnh phát triển, cần xác định rõ những vùng có lợi thế để ưu tiên đầu tư phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đánh giá việc triển khai Đề án còn chậm, kết quả chưa đạt yêu cầu, chưa triển khai được các giải pháp then chốt mang tính bền vững; còn hạn chế về mặt quản lý vùng nuôi, giống…Thời gian tới cần nâng cao nhận thức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, củng cố tổ chức, trong đó ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò nòng cốt tham mưu giải pháp cụ thể, khả thi để thực hiện Đề án đạt hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân thông suốt chính sách, thấy được lợi ích của Đề án mà tự giác thực hiện; rà soát lại quy hoạch, xây dựng quy hoạch chi tiết, trọng điểm là nuôi tôm, trồng lúa; tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp chế biến thủy sản với vùng nguyên liệu.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải cụ thể hóa Đề án, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, mạnh dạn tham mưu chính sách phù hợp để thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao nhất.

Các huyện, thành phố được giao chỉ tiêu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trao đổi kinh nghiệm trong cách tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, để triển khai mô hình nuôi tôm công nghiệp góp phần tạo nguồn nguyên liệu, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tôm, lúa tỉnh Cà Mau 2009 – 2012, định hướng 2015” trên cơ sở rà soát lại quy hoạch, xúc tiến xây dựng Đề án, từ đó xây dựng thành từng dự án cụ thể; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đề xuất cơ chế chính sách cho Đề án này.