ThienNhien.Net – Làng Xuân Lai (xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) nổi tiếng với nghề chế biến tinh bột sắn truyền thống, đem lại việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương. Nhưng tình trạng sản xuất thủ công, bừa bãi không có hệ thống xử lý chất thải đang khiến môi trường nơi đây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân và buộc dòng sông Truồi phải ngày đêm “vật lộn” với nguồn nước thải ô nhiễm.
Mới đầu chỉ có vài hộ gia đình ở Xuân Lai làm nghề chế biến tinh bột sắn. Sau đó, thấy nghề này mang lại nguồn thu nhập ổn định, các hộ dân trong làng ồ ạt mua máy móc, thiết bị về sản xuất, cung cấp ra các địa phương lân cận. Hiện nay, cả làng đã có tới hơn ba chục hộ dân làm nghề này. Trung bình, mỗi ngày một cơ sở nhỏ chiết xuất 40 – 50kg tinh bột/ngày; những cơ sở lớn sản xuất trên 1- 2 tạ/ngày.
Nhưng khi nghề làm tinh bột được mở rộng thì làng Xuân Lai cũng trở nên ô nhiễm nghiêm trọng do không có hệ thống xử lý nước thải. Hàng ngày, con sông Truồi phải tiếp nhận một lượng chất thải lớn. Dọc bờ sông, ruồi nhặng bay đầy trên những túp lều mọc lên để làm tinh bột sắn, mùi hôi thối bốc lên không những làm mất mỹ quan mà còn tạo điều kiện cho các loại bệnh phát sinh.
Vào năm 2008, UBND xã Lộc An đã đưa ra giải pháp xây dựng một điểm quy hoạch tập trung để thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ sản xuất, đảm bảo môi trường cho làng nghề chế biến tinh bột sắn này. Nhưng các cơ sở sản xuất lại không đồng tình vì theo họ việc quy hoạch như vậy sẽ thiếu thuận lợi về giao thông, xa nguồn nước, việc đầu tư nhà xưởng, hệ thống xử lý nằm ngoài khả năng kinh tế của họ.
UBND xã cũng đã yêu cầu các cơ sở chế biến sử dụng các biện pháp như dùng hóa chất, đào hầm, phủ đất cát để hạn chế mùi hôi và chất thải xuống sông. Nhưng hiệu quả chưa được bao nhiêu và người dân vẫn sống chung với ô nhiễm, còn sông Truồi hằng ngày vẫn phải oằn mình “cõng” chất thải!