ThienNhien.Net – Hồ sơ Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Thông tin trên được công bố trong phiên họp toàn thể thường niên của Chương trình Ký ức Thế giới (UNESCO) khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chiều 09/03 tại Macau, Trung Quốc.
Như vậy, Bia Tiến sĩ Văn Miếu là Di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam được đưa vào danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, sau Mộc bản triều Nguyễn.
Đây là sự kiện hết sức có ý nghĩa với Thủ đô Hà Nội trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Bia Tiến sĩ Văn Miếu vinh danh tên tuổi những người đỗ trong các kỳ thi tuyển Tiến sĩ triều Lê và Mạc. Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến 1779. Có 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi được dựng.
Không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh một giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê-Mạc, Bia Tiến sĩ Văn Miếu còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam, thể hiện tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài. Bài ký đề tên tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) do Thân Nhân Trung soạn đã khẳng định “hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
Cho đến nay, Bia Tiến sĩ Văn Miếu vẫn là những bản gốc duy nhất được lưu giữ tại chỗ, liên tục kể từ khi được dựng, phần lớn các hoa văn và văn tự còn rõ, có khả năng đọc được. Các bài văn bia cho biết rõ ngày tháng dựng bia, tên của người soạn văn bia, người dựng bia. Điều này khẳng định tính xác thực, nguyên bản, duy nhất của tư liệu – những tiêu chí quan trọng mà Chương trình Ký ức thế giới đặt ra.
Ngoài ra, giá trị nghệ thuật của Bia Tiến sĩ Văn Miếu còn thể hiện ở việc trang trí trên bia rất đa dạng, phản ánh lịch sử phát triển mỹ thuật của Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII.